Bế tắc chính trị tại Bangladesh vẫn chưa có hướng giải quyết, cho dù lãnh đạo hai đảng cầm quyền và đối lập đã có cuộc điện đàm quan trọng trong cuối tuần qua để thảo luận việc thành lập chính phủ lâm thời trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào đầu năm tới. Ngày 28/10, các đảng đối lập tiếp tục các cuộc biểu tình nhằm yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và tiến hành tổng tuyển cử vào đầu năm 2014.

bieu-tinh-bangladesh.jpg
Một cuộc biểu tình của những người ủng hộ đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) ở thủ đô Dhaka ngày 20/10 (Ảnh: Reuters)

Cuộc điện đàm cuối tuần qua là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Sheikh Hasina và cựu Thủ tướng Khaleda Zia kể từ khi bà Hasina nhậm chức vào tháng 1/2009. Bà Zia, Chủ tịch đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) đối lập đã nhận lời mời đến Dinh Thủ tướng để thảo luận về việc thành lập chính phủ mới trước khi tiến hành tổng tuyển cử, song bà Zia đã từ chối thời điểm gặp mặt vào tối nay (28/10) mà Thủ tướng Hasina đề nghị. Bà Zia cũng từ chối rút lại lời kêu gọi biểu tình từ sáng 27/10 đến tối 29/10 theo đề nghị của Thủ tướng Hasina.

Căng thẳng chính trị tại Bangladesh bùng phát trong bối cảnh liên minh đối lập do đảng của bà Zia lãnh đạo phản đối đề xuất của bà Hasina, theo đó thành lập chính phủ chuyển tiếp gồm tất cả các đảng phái để theo dõi cuộc bầu cử quốc hội vào đầu năm tới.

Kể từ tháng 6/2011, Quốc hội Bangladesh đã bãi bỏ hệ thống chính phủ lâm thời phi đảng phái sau khi một tòa án tối cao phán quyết rằng điều khoản Hiến pháp này là bất hợp pháp. Sau đó, liên minh đối lập thường xuyên biểu tình đòi khôi phục điều khoản này và căng thẳng gia tăng vào ngày 25/10 khi biểu tình biến thành bạo lực khiến 12 người chết và hàng trăm người bị thương.

Mặc dù lãnh đạo đảng cầm quyền và đối lập đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết bế tắc chính trị, song các bên vẫn chưa có dấu hiệu sẽ nhượng bộ nhau. Trong một phát biểu ngày 28/10, quyền Tổng Thư ký đảng Dân tộc chủ nghĩa đối lập Islam Alamgir cho biết: “Một sự thật là ở đất nước chúng ta, các đảng chính trị không tin tưởng nhau. Chúng ta đã từng có một hệ thống, nhưng thật không may chính phủ hiện nay đã sửa đổi Hiến pháp. Yêu cầu của chúng tôi là một chính phủ phi đảng phái trong thời gian bầu cử”.

Trong khi đó, đảng Liên minh Nhân dân cầm quyền cáo buộc phe đối lập gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay, kêu gọi lãnh đạo đối lập rút lại lời kêu gọi đình công và ngồi vào đối thoại. Đảng này khẳng định chính phủ của Thủ tướng Hasina sẽ tại nhiệm đến ngày 24/1/2014 theo quy định của Hiến pháp và các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng 90 ngày kể từ khi chính phủ mãn nhiệm.

Một quan chức cấp cao của đảng cầm quyền, ông Hosain Maya cho biết: “Thủ tướng của chúng tôi đã nói rõ rằng bầu cử sẽ được tiến hành theo Hiến pháp của đất nước, nhưng yêu cầu của lãnh đạo đối lập là không phù hợp, là phản Hiến pháp và Bangladesh không chấp nhận điều đó. Bầu cử sẽ được tổ chức đúng kế hoạch và theo Hiến pháp, chúng tôi hoan nghênh tất cả các đảng phái tham gia”.

Dư luận quốc tế cũng đã lên tiếng phản ứng trước tình hình bất ổn tại Bangladesh. Đại sứ Mỹ tại Bangladesh W Mozena ngày 27/10 bày tỏ hy vọng các tiến triển tích cực trong đó có cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Hasina và lãnh đạo đảng đối lập sẽ thúc đẩy đàm phán giữa các đảng phái lớn, đồng thời khẳng định đây là con đường tốt nhất hướng tới tổng tuyển cử tự do, công bằng và tin cậy.

Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Lý Quân cũng ủng hộ giải pháp đối thoại giữa hai đảng cầm quyền và đối lập, bày tỏ hy vọng Bangladesh duy trì được hòa bình và ổn định./.