Ngày 3/3, Chính phủ Bangladesh đã triển khai lực lượng quân đội ở khu vực miền Bắc nước này, trong bối cảnh xung đột không ngừng leo thang giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình phản đối phán quyết của tòa án đối với một số thủ lĩnh Hồi giáo bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh năm 1971.

bangladesh1.jpg

Nhiều người lo ngại, các cuộc xung đột này có thể khơi mào cho cuộc đấu tranh giữa hai đảng phái chính của quốc gia này.

Binh lính Chính phủ Bangladesh đã được triển khai thêm ở tỉnh Bogra, cách thủ đô Dhaka 197 km về phía Tây Bắc, sau khi ít nhất 10.000 người biểu tình ủng hộ Đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami tấn công 5 đồn cảnh sát bằng gậy gộc và các vũ khí tự tạo.

Cảnh sát đã phải bắn đạn để giải tán đám đông biểu tình. Theo phía cảnh sát, có ít nhất 8 người chết trong cuộc đụng độ tại tỉnh Bogra, và 8 người khác chết trong các cuộc đụng độ tại các nơi khác trong ngày 3/3.

Trước làn sóng bạo lực gia tăng, trong 2 ngày vừa qua, chính quyền Bangladesh cũng đã triển khai khoảng 10.000 cảnh sát tuần tra khắp các tuyến phố trong nội thành, trong khi các trường học và cửa hiệu cũng được lệnh đóng cửa. Các tuyến đường liên tỉnh cũng đã tạm thời ngừng lưu thông.

Hasan – một cảnh sát cho biết: “Chúng tôi phải bảo vệ tài sản công cộng trước các hành động phá hoại và đốt phá xe tư nhân. Chúng tôi phải giải tán người biểu tình, và tôi cũng không rõ có bao nhiêu người bị bắt trong cuộc biểu tình”.

Xung đột xảy ra ngay sau khi một tòa án Bangladesh công bố phán quyết tử hình Phó Chủ tịch Đảng Jamaat-e-Islami Delwar Hossain Sayedee với nhiều tội danh, trong đó có tội giết người, đốt phá nhà cửa, hãm hiếp và cưỡng ép cải đạo Hồi.

Các Đảng đối lập cáo buộc Chính phủ Bangladesh thông qua Tòa án Tội ác chiến tranh Bangladesh xét xử hàng chục thành viên Đảng Jamaat-e-Islami và các lãnh đạo đảng đối lập chính - Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đã làm khơi lại vết thương cũ gây chia rẽ đất nước.

Đảng Quốc gia Bangladesh đã kêu gọi  một cuộc biểu tình lớn trong ngày 4/3. Trong khi đó, Chính phủ Bangladesh nói rằng, Jamaat-e-Islami đã phản đối cuộc đấu tranh giành độc lập của Bangladesh khỏi Pakistan năm 1971 vốn cướp đi sinh mạng của 3 triệu người; đồng thời nhận sự hỗ trợ từ Pakistan để tàn sát nhiều người ủng hộ độc lập.

Đây được xem là làn sóng bạo lực liên quan tới chính trị đẫm máu nhất tại nước này trong hai thập kỷ qua. Hiện 8 lãnh đạo khác của Đảng Jamaat-e-Islami cũng đang bị Tòa án Bangladesh xét xử./.