Trước nguy cơ dịch Ebola ngày càng nguy hiểm và diễn biến phức tạp, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước khu vực Tây Phi đang tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó chú trọng công tác kiểm dịch và cách li. 

ebola_1_muhv.jpgNhân viên y tế đưa một thi thể bệnh nhân Ebola tới bệnh viên (ảnh: AP)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, virus Ebola đã làm gần 1.000 người thiệt mạng, chủ yếu tại 4 quốc gia Tây Phi là Nigeria, Sierra Leon, Guinea và Liberia.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus chết người Ebola, Chính phủ Guinea ngày 9/8 thông báo đóng cửa biên giới trên bộ với hai nước láng giềng Liberia và Sierra Leone. Đây là những quốc gia ở Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Ebola. Người phát ngôn Chính phủ Guinea Albert Damantang Camara khẳng định việc đóng cửa biên giới là “để kiểm soát tốt hơn sự tiếp xúc” với những người bị nghi nhiễm virus Ebola.

Cùng ngày, Chính phủ Sierra Leone cho biết đã triển khai hơn 1.500 binh sĩ để thực hiện các biện pháp cách li tại những khu vực có virus Ebola. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sierra Leone Palo Conteh, một nửa số binh sĩ này sẽ được điều đến Kenema và Kailahun, hai huyện ở miền Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của dịch bệch này. Số binh sĩ còn lại sẽ tập trung vào khu vực miền Tây.

Trước nguy cơ dịch Ebola ngày càng nguy hiểm, Bộ Y tế Ghana đã công bố "báo động đỏ" đối với dịch Ebola. Tuyên bố cho biết một số ngư dân Ghana đánh bắt tại vùng biển gần biên giới Liberia đã trở về nhà với triệu chứng nhiễm virus Ebola. Bộ Y tế nước này kêu gọi người dân không tắm ở bể bơi công cộng và tiến hành các biện pháp giữ vệ sinh sạch sẽ, đồng thời kêu gọi những người có triệu chứng nghi mắc bệnh gọi điện tới đường dây nóng để được hỗ trợ nhanh chóng.

Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf ngày 9/8 lên tiếng xin lỗi người dân vì số người chết do bị nhiễm virus Ebola ở nước này rất cao, trong đó có nhiều nhân viên y tế đang tham gia các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Phát biểu với hàng trăm nhân viên y tế chuẩn bị tham dự phiên họp với chính phủ ở Thủ đô Monroniva về phòng chống virus Ebola, Tổng thống Sirleaf cam kết cung cấp 18 triệu USD cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh chết người này, trong đó một phần sẽ được cung cấp cho các nhân viên y tế.

Tổng thống Sirleaf tuyên bố: “Tôi triệu tập cuộc họp này là muốn nói với các bạn rằng, những gì mà các bạn đang phải đối phó, cũng là những gì mà chúng tôi hết sức quan tâm. Đó là những vấn đề mà chúng ta biết và phải xử lý. Các bạn cần tiếp tục phục vụ cho đất nước, cho lĩnh vực y tế”.

Khoản tiền trên cũng sẽ được sử dụng để tăng thêm số lượng xe cứu thương và xây dựng thêm các trung tâm điều trị.

Bên cạnh đó, đã có thêm Nigeria tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch Ebola. Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã quyết định chi 11 triệu USD cho cuộc chiến chống dịch Ebola.

Theo AFP, trong tuần tới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ quyết định cho phép sử dụng một số loại thuốc thử nghiệm điều trị bệnh Ebola. Những loại thuốc này đã được dùng để điều trị 2 người Mỹ bị nhiễm virus Ebola cho kết quả khả quan./.