Brazil cho biết, họ coi cáo buộc Mỹ do thám Tổng thống Brazil Dilma Rousseff là "rất nghiêm trọng", và nếu là sự thật thì đây là “hành vi vi phạm chủ quyền nghiêm trọng”.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp khẩn với Tổng thống Dilma Rousseff, Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo và Ngoại trưởng Luiz Alberto Figueiredo cho biết, họ đang mong đợi Chính phủ Mỹ có văn bản trả lời chính thức về cáo buộc trên.

rousseff-obama-1.jpg
Quan hệ Mỹ- Brazil trở nên căng thẳng sau cáo buộc Mỹ theo dõi hoạt động của bà Rousseff (Ảnh: Getty Images)

Theo 2 Bộ trưởng, Chính phủ Brazil đã yêu cầu một lời giải thích chính thức từ Chính quyền Mỹ vì giải thích trước đó là không đủ và không đạt yêu cầu. Hai Bộ trưởng cho biết, họ đã gặp Đại sứ Mỹ Thomas Shannon và đưa ra thời hạn chót để Mỹ đưa ra lời giải thích về vấn đề này là ngày 6/9.

Ông Figueiredo cho biết, các bước đi tiếp theo của Brazil sẽ phụ thuộc vào câu trả lời được phía Mỹ cung cấp. Trong khi đó, ông Cardozo nói rằng, việc Mỹ tiến hành các hoạt động theo dõi người đứng đầu Chính phủ Brazil đi ngược lại quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia vốn là đồng minh chiến lược.

Ông Figueiredo cũng cho hay, Brazil đã quyết định đưa vấn đề này ra các diễn đàn quốc tế khác nhau. Ông Figueiredo nói: “Chúng tôi sẽ bàn thảo với các đối tác của chúng tôi, cả các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như các nước thuộc nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), bởi vì chúng tôi tin điều này liên quan đến tất cả chúng ta, ảnh hưởng tới tất cả chúng ta”.

Khi được hỏi sự việc mới xảy ra liệu có làm ảnh hưởng đến chuyến thăm Washington của bà Rousseff vào tháng 10 hay không, Ngoại trưởng Figueiredo đã từ chối trả lời. Trong khi đó, báo chí địa phương đưa tin, chuyến đi của Tổng thống Rousseff có thể bị hoãn hoặc thậm chí bị hủy bỏ.

Ông Figueiredo cho biết, Brazil sẽ thúc đẩy một cuộc tranh luận về việc thiết lập các quy định mang tính quốc tế nhằm ngăn chặn hoạt động gián điệp truyền thông.

Ông Figueiredo nói: “Chúng tôi mong muốn có một thỏa thuận để chấn chỉnh việc sử dụng Internet, không phải để cắt giảm quyền, mà để đảm bảo quyền lợi. Chúng tôi muốn có được tự do thực sự, vì vậy các công ty, người dân và Chính phủ sẽ không thể là mục tiêu của các hành vi gián điệp”.

Cho đến nay, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về cáo buộc trên.

Đây là các tiết lộ mới nhất do Glenn Greenwald, phóng viên báo Guardian - Người tiếp nhận các tài liệu từ cựu nhân viên Cơ quan tình báo của Mỹ Edward Snowden công bố. Theo đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ sử dụng một chương trình đặc biệt để theo dõi mọi thông tin mà Tổng thống Brazil - Dilma Rousseff đọc trên mạng Internet.

Không chỉ có vậy, chương trình này còn theo dõi toàn bộ hoạt động liên lạc của bà Rousseff và các nhân viên của bà, bao gồm các liên lạc trên mạng, qua điện thoại, qua mạng xã hội…

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Globo của Brazil, Greenwald cho biết, một tài liệu được thu thập vào tháng 6/2012 cho thấy, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã đọc lén thư điện tử của Tổng thống Mexico - Enrique Pena Nieto.

Bộ Ngoại giao Mexico ngay sau đó lên tiếng cho hay, họ đã yêu cầu Chính phủ Mỹ đưa ra lời giải thích rõ ràng cho những cáo buộc trên./.