Ít nhất 155 triệu người trên thế giới phải đối mặt với mức độ khủng hoảng nghiêm trọng về mất an ninh lương thực trong năm 2020 - mức cao kỷ lục trong 5 năm qua. Điều này đặt ra những thách thức cho thế giới trong việc ngăn chặn một thảm họa nhân đạo khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cùng với hiện tượng thời tiết cực đoan và xung đột diễn biến khó lường.

Mức độ đói nghèo nghiêm trọng đã diễn ra ở 55 quốc gia trong 5 năm qua, chỉ tính riêng năm 2020 đã có thêm 20 triệu người rơi vào tình trạng đói nghèo so với năm 2019. Châu Phi vẫn là châu lục bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn đói, chiếm 2/3 tổng số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Đánh giá về những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, ông Arif Husain kinh tế trưởng của Chương trình lương thực thế giới nhận định: “Những yếu tố đằng sau tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu đã không thay đổi nhiều năm qua. Trước hết là xung đột và sau đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên hiệu ứng số nhân đằng sau tất cả những điều này là Covid-19. Cú sốc kinh tế gây ra do đại dịch là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực”

Bước sang năm 2021 với kế hoạch triển khai tiêm vaccine đang diễn ra tại nhiều quốc gia, cho phép các nước bắt đầu mở cửa trở lại cũng không mang lại những triển vọng sáng sủa hơn. Sự xuất hiện biến thể mới của Covid-19 đang lan rộng tại các quốc gia đang phát triển, khiến nhiều nước rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương, suy thoái do hệ thống y tế không đủ sức chống chọi. Trong khi đó, các quốc gia phát triển cũng đang chật vật khắc phục những hậu quả của các làn sóng dịch trước đó. Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào suy thoái kép trong quý I/2021, đợt suy thoái thứ hai trong vòng chưa đầy một năm.

Rõ ràng dịch bệnh tiếp tục lan rộng, đồng nghĩa với việc tình trạng suy thoái kinh tế xảy ra trầm trọng hơn, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và làm gia tăng bất bình đẳng.Các chuyên gia cảnh báo, nếu các xu hướng hiện tại không được đảo ngược, các cuộc khủng hoảng lương thực sẽ gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng.

Ông Dominique Burgeon- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp khủng hoảng của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định: “Không may thay chúng ta đang đối mặt với một xu hướng không tích cực. Chúng tôi dự đoán có hơn 142 triệu người sẽ rơi vào "Khủng hoảng" hoặc tồi tệ hơn vào năm 2021 và khoảng 150.000 người có khả năng sẽ phải đối mặt với "Thảm họa" cho đến giữa năm 2021”.

Chìa khóa cho sự phục hồi nhanh và bền vững cho các quốc gia hiện nay vẫn là sớm chấm dứt đại dịch. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây đề xuất 6 biện pháp, giúp các quốc gia phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trước hết là đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, đảm bảo phân phối vaccine công bằng và hiệu quả; cần có sự hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển đối phó với đại dịch, giảm và giãn nợ cho những quốc gia có nhu cầu; đầu tư con người và tái khởi động nền kinh tế một cách bình đẳng về bền vững.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định, thế giới đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có và cần phải hành động khẩn cấp để chấm dứt vòng luẩn quẩn của dịch bệnh, đảm bảo không có chỗ cho nạn đói trong thế kỷ 21./.