Chính phủ nước này đang lên kế hoạch đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực do Covid-19 gây ra. Theo báo cáo trên, cứ 4 gia đình Indonesia thì có 1 gia đình hết lương thực trong thời kì đại dịch. Tình trạng thiếu an ninh lương thực ngày càng gia tăng có thể dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi cao hơn tại Indonesia. Theo ngân hàng thế giới, cú sốc kinh tế với các hộ gia đình sẽ tác động lâu dài đến chất lượng cuộc sống của người dân Indonesia.
Dữ liệu về Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu năm 2019 cho thấy, Indonesia đứng ở vị trí thứ 62 trên thế giới về an ninh lương thực, tăng ba bậc so với năm trước. Trong khi đó, Chỉ số Đói nghèo toàn cầu năm 2019 đưa Indonesia vào danh sách nạn đói “nghiêm trọng”, với ước tính 8,3% dân số bị suy dinh dưỡng và 32,7% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu giảm tỉ lệ đói nghèo của Indonesia xuống 9,7% vào tháng 3/2020, nhưng dịch Covid-19 bùng phát làm xói mòn phúc lợi xã hội, gia tăng nghèo đói ở nước này. Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF) Indonesia dự báo, tỷ lệ nghèo của Indonesia sẽ tăng thêm 1,63 triệu người, lên thành 29 triệu người trong giai đoạn tháng 9/2020, tương đương với 10,34%. Theo Bộ Lao động Indonesia, số lượng công nhân bị cho thôi việc trong thời kỳ đại dịch lên tới 3,06 triệu người tính đến cuối tháng 5/2020.
Tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, vào tháng 10 tới, chính phủ sẽ bắt đầu quy hoạch trồng các cánh đồng lương thực hoặc các khu lương thực để lường trước cuộc khủng hoảng lương thực do đại dịch Covid-19 gây ra.
Dự án với tổng diện tích đất 1,4 triệu hecta, sẽ bắt đầu ở Trung Kalimantan và Bắc Sumatra, sau đó sẽ được phát triển ở Nam Sumatra, Đông Nusa Tenggara và Papua.
Theo ông Sumiyati, Tổng Thanh tra Bộ Tài chính Indonesia, chính phủ đã đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 bằng cách ban hành nhiều loại gói chính sách khác nhau thông qua Quy định Tổng thống số 1 năm 2020, trở thành Luật số 2 năm 2020 liên quan đến việc Xử lí đại dịch và Phục hồi Kinh tế Quốc gia (PEN) và tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với các tác động lực xảy ra ở Indonesia và trên toàn cầu do đại dịch Covid-19./.