Thủ tướng Passos Coelho cho rằng phiên thảo luận này sẽ là một tiến trình khó khăn, nhưng cần thiết để nước này thoát được chương trình cứu trợ của châu Âu.

Thủ tướng Coelho cũng thừa nhận rằng kế hoạch ngân sách năm sau sẽ đẩy các gia đình, các công ty tư nhân và cả doanh nghiệp nhà nước của Bồ Đào Nha vào tình cảnh rất khó khăn.

portugal_copy.jpg
Thủ tướng Passos Coelho đối mặt với thách thức về ngân sách (Ảnh AFP)

Tuy nhiên, ông Coelho khẳng định, chính phủ và Quốc hội sẽ nỗ lực tìm cách chia sẻ gánh nặng này một cách công bằng nhất.

“Tôi không muốn giấu giếm và chưa bao giờ giấu giếm rằng kế hoạch ngân sách này sẽ rất khó khăn, vì nó yêu cầu tất cả chúng ta một lần nữa tăng gấp đôi nỗ lực. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, tăng thuế ở một thời điểm nào đó là vì một mục đích tốt cho nền kinh tế. Chúng ta muốn giảm thuế về lâu dài, nhưng điều này chỉ có thể triển khai được khi chúng ta không chệch khỏi quỹ đạo cắt giảm và kiểm soát chi tiêu”, ông Coheho nhấn mạnh.

Kế hoạch này bao gồm việc cắt giảm lương công chức nhà nước từ 2,5% đến 12% và cắt giảm khoảng 728 triệu Euro tiền lương hưu. Chính phủ Bồ Đào Nha ước tính toàn bộ chi tiêu bị cắt giảm lên tới hơn 3,1 tỷ Euro.

Kế hoạch ngân sách năm 2014 của Thủ tướng Coelho chắc chắn vấp phải sự phản đối gay gắt của các đảng đối lập. Lãnh đạo đảng Xã hội đối lập Antonio Jose Seguro cho rằng kế hoạch ngân sách này chỉ vắt kiệt nền kinh tế Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên, chính phủ hy vọng, kế hoạch này có thể giúp Bồ Đào Nha đứng vững khi chương trình cứu trợ của châu Âu chính thức chấm dứt vào giữa năm sau và giúp nước này lấy lại mức tăng trưởng dương đầu tiên kể từ năm 2010.

Mặc dù vậy, chính phủ Bồ Đào Nha cũng như các bên cho vay quốc tế cũng hiểu rằng, mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách này còn phải đối mặt với các thách thức trước Tòa án Hiến pháp vốn bác bỏ một số chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ trước đây./.