Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva mới đây thể hiện sự ủng hộ đối với việc thành lập liên minh trung hữu, đồng thời bác bỏ khả năng tổ chức bầu cử sớm trong ngắn hạn. Tuyên bố này một lần nữa cho thấy tính cấp bách phải tìm ra một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay, đang gây mất ổn định chính phủ và làm gia tăng lo ngại của các đối tác châu Âu.

Trong một phát biểu trước toàn thể quốc gia, Tổng thống Silva ngày 10/7 cho rằng, chính phủ hiện nay có đầy đủ quyền hạn để thực thi các chức năng của mình, đồng thời bác bỏ khả năng tiến hành bầu cử Quốc hội sớm trong ngắn hạn. Theo ông cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay đã cho thấy đất nước cần nhanh chóng đạt được một thỏa thuận trung hạn giữa các đảng phái vốn tán thành kế hoạch cứu trợ nhằm tránh nguy cơ rơi trở lại cuộc khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, Tổng thống cũng kêu gọi các đảng phái nhất trí về một lộ trình nhằm tiến hành các bầu cử trước thời hạn dự kiến diễn ra sau khi kết thúc kế hoạch cứu trợ vào tháng 6 năm sau.

“Đất nước rất cần một thỏa thuận về trung hạn giữa các đảng phái từng tham gia ký kết bản ghi nhớ vối Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế. Đây là điều mà chúng ta cần cùng nhau làm. Tôi sẽ ủng hộ mạnh mẽ một thỏa thuận như thế, khi mà tình hình hiện nay cho thấy tính cần thiết phải có những quyết tấm cứu đất nước.” Tổng thống Silva nhấn mạnh.

Phát biểu của Tổng thống Silva đưa ra sau khi tiến hành tham vấn các đảng phái trong quốc hội và các đối tác xã hội. Phe đối lập cánh tả và các nghiệp đoàn đã yêu cầu tiến hành bầu cử ngay lập tức, song đã bị Tổng thống bác bỏ.

Chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính phủ của Thủ tướng Coelho đang tiến hành để đổi lấy kế hoạch cứu trợ hiện là tâm điểm cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Bồ Đào Nha. Sự từ nhiệm của Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar và Ngoại trưởng Paulo Portas do bất đồng với những quan điểm và kế hoạch cải cách của chính phủ, đã gây ra "sóng gió" lớn trong chính trường Bồ Đào Nha, vốn đang phải nỗ lực hết mình để nhận cứu trợ tài chính của các chủ nợ quốc tế. Vì thế, phát biểu của Tổng thống Silva một lần nữa cho thấy, tính khẩn cấp của cuộc khủng hoảng hiện nay tại Bồ Đào Nha. Chính phủ không còn sự lựa chọn nào khác là phải đoàn kết nhằm vượt qua các thách thức hiện tại. Bởi trên thực tế, việc hai Bộ trưởng chủ chốt trong Chính phủ Bồ Đào Nha từ chức chỉ là "giọt nước làm tràn ly" thổi bùng những bất đồng trước đó. 
Nguyên nhân sâu xa của những phản ứng này là do các biện pháp cải cách của Chính phủ đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía người dân Bồ Đào Nha khi mà thu nhập và phúc lợi của họ bị cắt giảm trong khi sinh hoạt phí gia tăng, khiến cuộc sống ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, sức ép từ các đối tác châu Âu cũng là không nhỏ khi Bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực đồng Euroa mới đây đã ra tối hậu thư với Bồ Đào Nha khi nhấn mạnh nước này không được để bất ổn chính trị làm chệch mục tiêu đưa nền kinh tế đất nước trở lại thị trường trong năm 2014.

Theo các nhà phân tích, nếu cuộc thương lượng với các đảng phái không đạt được kết quả như ý muốn, Bồ Đào Nha sẽ đứng trước nguy cơ khủng hoảng sâu. Thậm chí chính phủ của ông Coelho sẽ tan rã trước khi các đảng phái quyết định tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm./.