Sau hai ngày làm việc, chiều 5/9, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 11 Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới ( G20) đã bế mạc tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Với mong muốn chấn hưng nền kinh tế thế giới, lãnh đạo các nước cùng các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung liên quan nhằm tìm ra những giải pháp, động lực mới nhằm sớm đưa kinh tế thế giới sớm thoát ra khỏi khủng hoảng, chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Một số kết quả đáng chú ý đã được đưa ra tại Hội nghị G20 năm nay.
Trong hai ngày vừa qua, các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 11 đã cùng nhau thảo luận nhiều nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề chính là: Tăng cường điều phối chính sách, sáng tạo phương thức tăng trưởng mới; tìm kiếm cơ chế quản lý kinh tế tài chính toàn cầu hiệu quả hơn; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và thương mại toàn cầu; tìm kiếm phương thức phát triển bao dung và liên kết; đầu tư và hạ tầng cơ sở, kết cấu tài chính quốc tế, cải cách cơ quan tài chính, hợp tác thuế quốc tế, tài chính xanh, vốn biến đổi khí hậu, đầu tư chống khủng bố, những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến kinh tế thế giới...
Với nỗ lực của các bên, Hội nghị đã nhất trí thúc đẩy xây dựng “Lộ trình sáng tạo tăng trưởng G20”, ban hành “Nguyên tắc chỉ đạo đầu tư toàn cầu G20” và “Chiến lược tăng trưởng thương mại toàn cầu G20”.
Đáng chú ý, Hội nghị đã đưa ra được kế hoạch hành động nghị trình phát triển bền vững đến năm 2030 nhằm giải quyết căn bản vấn đề thiếu hụt động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, đưa ra phương án mới góp phần thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng.
Cũng trong dịp này Trung Quốc và Mỹ đã cùng nộp văn kiện phê chuẩn “Hiệp định Paris” về chống biến đổi khí hậu, tham gia kế hoạch cắt giảm lượng khí thải CO2 đến trước năm 2030.
Bên lề Hội nghị, lãnh đạo các nước đã có các cuộc tiếp xúc quan trọng, trong đó có các cuộc gặp đáng chú ý như Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Mỹ Obama gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan…
Với tư cách nước chủ nhà, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã có hàng loạt cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Dư luận cho rằng, những nỗ lực của các nhà lãnh đạo G20 nhằm tìm ra những giải pháp, động lực mới đưa kinh tế thế giới vượt qua khó khăn, chuyển hướng sang tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng sẽ trở nên vô nghĩa nếu như các nước không xử lý tốt những mâu thuẫn, bất đồng tồn tại như vấn đề bảo hộ mậu dịch, tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo hay việc một số nền kinh tế lớn trong G20 đang gặp khó khăn do đối mặt với đà giảm tăng trưởng.
Đây là những trở ngại lớn nhất, đòi hỏi các nước phải nỗ lực chung tay xử lý để kế hoạch chấn hưng nền kinh tế thế giới đi vào thực tế./.