Từng bị chỉ trích nặng nề sau hàng loạt thông tin sai lệch liên quan cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, những nền tảng truyền thông xã hội này không muốn một lần nữa đi vào vết xe đổ hay nghiêm trọng hơn là bị biến thành kênh tuyên truyền cho những thông tin sai lệnh hay kích động bạo lực.
Được đánh giá là kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 này cũng đồng nghĩa với những mối nguy cơ gia tăng mỗi ngày từ biểu tình phản đối kết quả, kích động bạo lực hậu bầu cử đến thông tin sai lệnh về tiến trình kiểm phiếu. Theo CNN, tại một quốc gia như nước Mỹ, nơi hầu hết người dân tiếp nhận thông tin từ các mạng xã hội, thì trách nhiệm của những “đại gia” truyền thông cũng rất lớn. Điều này giải thích cho việc Twitter trong 2 ngày qua liên tục ẩn hay dán nhãn các dòng Tweet mà nền tảng truyền thông xã hội này cho là “có nội dung tranh chấp và có thể tạo ra hiểu biết sai lầm về bầu cử và quy trình dân sự”. Trong số này có cả các dòng Tweet về cáo buộc gian lận bầu cử của Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa.
Thực tế là ngay trong Ngày Bầu cử (3/11), Twitter và Facebook đã cấm người dùng tuyên bố chiến thắng trước khi kết quả được kiểm chứng và xác thực bởi một quan chức trong ủy ban bầu cử, những người có thẩm quyền hay bởi một số phương tiện truyền thông đáng tin cậy như Reuters hay AP. Twitter và Facebook chủ yếu hy vọng việc nhắc đi nhắc lại việc kiểm phiếu cần phải có thời gian sẽ giúp tránh phải kiểm duyệt thông điệp của những chính khách có thể vô tình hoặc cố ý loan các thông tin sai lệch.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg nhấn mạnh: “Facebook ủng hộ những nguyên tắc cơ bản giúp đảm bảo tiếng nói của tất cả mọi người cũng như các cơ hội kinh tế, giữ cho mọi người được an toàn, cũng như duy trì những truyền thống Dân chủ như quyền tự do ngôn luận và bỏ phiếu. Có những giá trị cơ bản cho hầu hết chúng ta nhưng không phải cho tất cả mọi người trên thế giới.”
Các mạng xã hội trái lại còn khắt khe hơn với những quảng cáo chính trị, vốn đã bị cấm từ hơn hai tuần nay và sẽ tiếp tục bị cấm sau ngày bầu cử chính thức ít nhất 7 ngày. Đây cũng là cách mà Google đang tiến hành cả trên công cụ tìm kiếm của mình và trên Youtube nhằm ngăn chặn những quảng cáo có thể gây nhầm lẫn sau bầu cử.
TikTok, nền tảng truyền thông xã hội ăn khách nhất của Trung Quốc nhưng lại bị Tổng thống Donald Trump liệt vào danh sách đen, cũng đã hợp tác với một số trang kiểm chứng thông tin để tăng cường khả năng giám sát và ngăn chặn. Nhân dịp này, TikTok cũng ra mắt một tiện ích cho phép người dùng báo cáo thông tin sai lệnh.
Có thể nói, so với năm 2016, những “Ông lớn” trong lĩnh vực truyền thông xã hội đã có sự chuẩn bị tốt hơn. Theo Facebook, từ tháng 3, nền tảng xã hội này đã xóa hơn 2 triệu quảng cáo đáng ngờ và hơn 125 nghìn tin giả. Trong khi đó, Twitter, YouTube hay TikTok còn khẳng định tích cực tham gia vào vệc kêu gọi cử tri đi bầu. Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 này cũng thực sự là một bài trắc nghiệm cho chính các mạng xã hội./.