Ngày 30/03, nước Pháp bước vào vòng 2 cuộc bầu cử địa phương. Thất bại lớn sau cuộc bỏ phiếu vòng 1 cho thấy nguy cơ bị cử tri dùng lá phiếu trừng phạt lớn hơn bao giờ hết với đảng Xã hội cầm quyền (PS) trong khi đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) đứng trước cơ hội lịch sử. 

marine%20le%20pen.jpg
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia (Ảnh: Reuters)

Lá phiếu trừng phạt

Kết quả của cuộc bỏ phiếu vòng 1 cách đây một tuần đang tạo sức ép khổng lồ lên đảng Xã hội (PS) cầm quyền. Đúng như các dự báo trước đó, trước thành tích điều hành yếu kém của chính quyền của Tổng thống Francois Hollande, đảng PS đã thất bại trên diện rộng sau vòng đầu tiên của cuộc bầu cử địa phương.

Nguy cơ “vote sanction – lá phiếu trừng phạt” giờ đây đang trở thành hiện thực. Theo phân tích, nếu không có một sự đột biến về xu hướng bỏ phiếu của các cử tri trong vòng 2 diễn ra vào 30/3, PS sẽ đánh mất sự lãnh đạo của mình tại hơn 100 thành phố trên khắp nước Pháp.

Sự mất mát này không chỉ ở số lượng mà còn ở cả chất lượng. Ở nhiều thành phố lớn, các ứng cử viên của PS đang gặp khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy cơ thất bại rất lớn, như ở Toulouse, Nimes, Lille...

Tại hai thành phố lớn nhất của Pháp là thủ đô Paris và Marseille, hai ứng cử viên của PS cũng đang bị đe dọa. Ở Marseille, ứng cử viên Patrick Mennucci của PS thậm chí chỉ về thứ 3 sau vòng 1, kém không chỉ đối thủ chính là Jean-Claude Gaudin của UMP mà còn thua cả ứng cử viên của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN), Stephane Ravier.

Trong khi đó tại Paris, dù được cho là có lợi thế trước cuộc bầu cử, bà Anne Hidalgo của PS cũng về thứ hai sau đối thủ Nathalie Kosciusko-Morizet (NKM) của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP).

Mọi nguyên nhân đang đổ lên đầu chính phủ của Tổng thống Francois Hollande. Sau 2 năm cầm quyền với quá nhiều yếu kém, đảng PS đang phải trả giá bởi sự tức giận của các cử tri. Ngay tại nhiều thành phố từng được coi là lãnh địa của PS từ vài chục năm qua, các ứng cử viên của PS cũng bị thất thế và đứng trước nguy cơ phải nhường lại quyền lực cho Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) hoặc đảng Mặt trận quốc gia (FN).

Để xoay chuyển tình thế, PS giờ đây đang đặt cược vào hai lá bài: sự tham gia đông hơn của cử tri tại vòng 2 và tâm lý chống FN. Một trong những lí do mà các ứng cử viên PS dùng để biện hộ cho thất bại ở vòng 1 là tỷ lệ cử tri vắng mặt quá nhiều (khoảng 38,5%) mà trong số đó đa số lại là các cử tri có xu hướng ủng hộ PS.

Vì thế, để hạn chế tối đa bất lợi, các chính trị gia PS đã liên tục đăng đàn trong suốt một tuần qua để kêu gọi các cử tri Pháp nâng cao tinh thần công dân, tích cực đi bầu trong vòng 2. Lá bài thứ hai của PS là kêu gọi thành lập một “Mặt trận cộng hòa”, tức các đảng phái liên kết để ngăn chặn các ứng cử viên mang tư tưởng cực hữu của FN.

Tuy nhiên, sự hưởng ứng mà PS nhận được không cao và PS buộc phải đi tìm liên minh với các đảng cánh tả như đảng Xanh (EELV) để đua tranh với các đối thủ tại vòng 2.

Các cuộc thăm dò và phân tích trước vòng 2 đều cho thấy, nguy cơ thất bại của PS là rất lớn và điều mà chính giới Pháp đang chờ đợi là các biến động ở thượng tầng. Để trả giá cho thất bại (mà nguy cơ rất cao) và xoa dịu cử tri Pháp, sẽ có người phải hy sinh trong nội bộ đảng cầm quyền.

Báo chí và dư luận Pháp đang bàn rất nhiều đến khả năng sẽ có sự thay đổi nội các sau bầu cử nếu các kết quả của PS không khả quan. Thủ tướng Jean Marc Ayrault đang chịu sức ép cực lớn và một kịch bản đang được nói đến rất nhiều, đó là Tổng thống Hollande sẽ cách chức ông Ayrault và chỉ định một Thủ tướng mới.

Các cuộc thăm dò cho thấy Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls đang là ứng cử viên số 1 để thay thế ông Ayrault, tiếp đến là bà Martine Aubry – thị trưởng Lille, Ngoại trưởng Laurent Fabius, Bộ trưởng Lao động Michel Sapin hay Chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là biến động chính trị lớn nhất tại Pháp kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012.

Ai sẽ chặn được FN?

Trái ngược với nguy cơ thất bại đang hiển hiện với PS, câu hỏi lớn nhất đặt ra ở vòng 2 là liệu đà thắng lợi của FN có bị chặn lại hay không?

Đảng cực hữu đã thắng tưng bừng sau vòng 1. Lần đầu tiên trong lịch sử đảng này có một ứng cử viên được bầu là thị trưởng ngay sau vòng 1 là tại Henin-Baumont. Các ứng cử viên của FN cũng đạt kết quả vô cùng khả quan ở nhiều thành phố khác và đang ở vị trí thuận lợi để chiến thắng ở các thành phố tương đối quan trọng như Perpignan, Frejus, Bezier, Avignon… Mục tiêu mà FN đặt ra là có trên 1.000 ứng cử viên trúng cử Hội đồng địa phương được đánh giá là gần như chắc chắn sẽ đạt được.

Sự thăng tiến chóng mặt này của đảng Mặt trận Quốc gia (FN) đang vẽ lại bức tranh của nền chính trị Pháp. Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, FN đang thành công trong chính sách “gột rửa” tiếng xấu và cố thể hiện mình như một đảng phái chính trị “bình thường” chứ không phải là một đảng cực hữu.

Bất chấp những tranh cãi trong xã hội Pháp, chính sách này của FN, được bà Marine Le Pen khởi xướng sau khi lên làm lãnh đạo FN thay cha mình, đang gặt hái thành công. FN giờ đây không còn là một đảng cực hữu chủ yếu mang tư tưởng chống đối mà đã biến đổi. Đảng này bắt đầu thành lập được các mạng lưới địa phương và đề ra hẳn một chiến lược dài hơi để nắm quyền lực ở mức cao nhất trong nền chính trị Pháp.

Nhưng, như một bài xã luận trên báo Le Monde, tờ báo uy tín nhất ở Pháp, dù che giấu cách nào thì FN vẫn là một đảng cực hữu, với các tư tưởng bài ngoại, thù địch với sự hội nhập vào châu Âu và toàn cầu hóa vì thế các đảng phái chính trị truyền thống của Pháp phải liên kết để chặn đà thăng tiến của FN. Các đảng phái khác cũng đã ý thức được điều đó nhưng hành động ra sao lại là một câu chuyện khác.

Kết quả cuộc bầu cử vòng 2 hôm 30/3 sẽ đưa ra những xu hướng chính xác cho nền chính trị Pháp thời gian tới. Kịch bản “triangulaire- tam giác”, tức một cuộc đua tay ba giữa các ứng cử viên của 3 đảng PS-UMP-FN đang xảy ra tại rất nhiều thành phố. Nếu phía Liên minh vì phong trào nhân dân UMP vẫn kiên quyết không bỏ phương châm “ni-ni” của mình (tức không ủng hộ cả PS lẫn FN trong trường hợp họ thất bại) thì khả năng FN tạo nên những cuộc lật đổ là rất lớn.

Đó có thể sẽ là bước ngoặt của nền chính trị Pháp, như tuyên bố của bà Marine Le Pen rằng “chính trị Pháp bây giờ không còn song cực mà đã trở thành tam cực, tức PS-UMP và FN”./.