Cuộc bầu cử địa phương tại Pháp được tiến hành 6 năm một lần để chọn ra các ủy viên Hội đồng địa phương. Những người này lại tiếp tục bầu ra Thị trưởng và các chức danh lãnh đạo khác của các đơn vị hành chính.

Bầu cử địa phương có ý nghĩa quan trọng trong nền chính trị Pháp bởi nó dẫn đến những thay đổi chính sách tác động trực tiếp đến dân cư, đồng thời vẽ lại bản đồ chi tiết về tương quan lực lượng giữa các đảng phái chính trị.
elec_copy.jpg
Các quan chức bầu cử Pháp chuẩn bị cho cuộc bầu cử vòng 1 (Ảnh AFP)

Lần bầu cử năm nay diễn ra trong bầu không khí hoài nghi và không chắc chắn khi tình hình chính trị-xã hội Pháp có nhiều biến động. Khủng hoảng kinh tế, sự mất uy tín trầm trọng của chính phủ cầm quyền, làn sóng cực hữu dâng cao… là những yếu tố tạo nên những thắc mắc lớn về đợt bầu cử này.

Đảng Xã hội có bị trừng phạt?

Đảng Xã hội (PS) cầm quyền đang trong thời điểm khó khăn. 2 năm sau khi lên nắm quyền, cá nhân Tổng thống Francois Hollande và Chính phủ Đảng Xã hội bị mất điểm trầm trọng.

Kinh tế phục hồi chậm chạp, thất nghiệp liên tục gia tăng, xã hội bất ổn, scandal trong nội bộ… khiến tỷ lệ ủng hộ ông Hollande và Chính phủ xuống thấp kỷ lục (dưới 20%).

Lịch sử đã chứng minh, các cử tri Pháp luôn trừng phạt sự yếu kém của đảng cầm quyền bằng các lá phiếu địa phương. Năm 1983, tức 2 năm sau khi ông Francois Mitterand của đảng Xã hội lên làm Tổng thống Pháp với thành tích không khả quan, PS thua lớn trong cuộc bầu cử địa phương 1983. Tình hình hiện nay với Đảng Xã hội, theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, còn tệ hơn năm 1983.

Sự thất vọng của các cử tri trung lập với Đảng Xã hội là điều dễ hiểu, nhưng ngay cả các cử tri vốn ủng hộ PS cũng có thể sẽ thay đổi.

Một cuộc thăm dò cách đây không lâu của IFOP cho thấy, trong lượng cử tri ủng hộ Đảng Xã hội, có đến 41% nói họ có ý định sẽ không đi bầu, vì thất vọng với chính quyền hiện nay của ông Hollande. Tỷ lệ này bên phía cánh hữu thấp hơn khá nhiều, là 29%. Nếu con số này trở thành hiện thực, nguy cơ thất bại của Đảng Xã hội là rất cao.

Bên cạnh nguy cơ thất bại toàn cục, Đảng Xã hội cũng phải đối mặt với mối lo với các cuộc đua ở các thành phố lớn, đáng kể nhất là Paris và Marseille, hai thành phố lớn nhất của Pháp. 
Cơ hội nào Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia?

Sau thành tích khả quan bất ngờ của bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2012 (được trên 18% phiếu, đứng thứ 3), cuộc bầu cử địa phương lần này được xem là “thời khắc của sự thật” với Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN).

Đảng Mặt trận quốc gia tham gia vào cuộc bầu cử năm nay với lực lượng hùng hậu và tham vọng lớn chưa từng thấy. Các ứng cử viên của Đảng Mặt trận quốc gia có mặt trong 597 danh sách ứng cử, cao hơn cả con số kỷ lục 512 của cuộc bầu cử năm 1995.

Đây là con số rất đáng chú ý nếu biết rằng trong cuộc bầu cử địa phương gần đây nhất vào năm 2008, Đảng Mặt trận quốc gia chỉ có mặt trong 119 danh sách ứng cử.

Với lực lượng này, Đảng Mặt trận quốc gia đặt ra tham vọng phá vỡ kỷ lục có hơn 1.000 ủy viên hội đồng địa phương năm 1995. Theo phân tích, các ứng cử viên của FN có thể sẽ có mặt ở vòng 2 cuộc bầu cử  năm nay ở khoảng 40 thành phố có trên 10.000 dân.

Sự thăng tiến của Đảng Mặt trận quốc gia gây ra bối rối cho tất cả. Với các đảng phái chính trị, FN giờ đây là một đối thủ đáng gờm, đặc biệt là với các đảng cánh hữu như UMP.

Các kịch bản về một cuộc đua tam giác đang được vẽ ra, theo đó một ứng cử viên của FN sẽ ganh đua cùng 1 ứng cử viên của Đảng Xã hội và 1 ứng cử viên của UMP trong vòng 2 và khi đó, Đảng Xã hội sẽ được lợi khi các cử tri cánh hữu buộc phải san sẻ lá phiếu cho Đảng Mặt trận quốc gia và UMP.

Một kết cục như thế là điều mà UMP đang không mong muốn và phương châm của đảng này là “ni-ni”, tức các cử tri ủng hộ UMP được khuyến cáo là không bỏ phiếu cho cả Đảng Xã hội lẫn Đảng Mặt trận quốc gia trong trường hợp một ứng cử viên của UMP thất cử.

Với xã hội Pháp, kết quả mà Đảng Mặt trận quốc gia đạt được trong cuộc bầu cử này cũng sẽ có những tác động lớn. Sự thăng tiến của Đảng Mặt trận quốc gia, một đảng cực hữu với những tư tưởng bài ngoại, bài nhập cư, bài đạo Hồi, thù địch với tiến trình hòa nhập của Liên minh châu Âu…luôn là một thách thức đối với xã hội Pháp.

Đảng Mặt trận quốc gia đã thăng tiến mạnh trong thời gian qua khi kinh tế Pháp suy thoái, xã hội bất ổn, các đảng phái truyền thống (PS, UMP) suy yếu và cuộc bầu cử năm nay sẽ trả lời cho câu hỏi, liệu Đảng Mặt trận quốc gia có thể tiến xa đến đâu?

Cử tri vắng kỷ lục?

Thắc mắc cuối cùng của cuộc bầu cử hôm nay là sẽ có bao nhiêu cử tri Pháp không đi bầu?

Trong nền cộng hòa thứ V, lượng cử tri vắng mặt trong các cuộc bầu cử địa phương đã tăng dần lên qua mỗi kỳ bầu cử. Các cuộc thăm dò gần nhất đều cho thấy lượng cử tri vắng mặt năm nay sẽ tăng thêm từ 3-5%. Cuộc thăm dò của IPSOS thậm chí còn đưa ra tỷ lệ vắng mặt trên 40%.

Nguyên nhân quan trọng nhất lý giải cho tỷ lệ này là sự thất vọng. Các cử tri Pháp đang phải thất vọng về quá nhiều vấn đề. Họ thất vọng với sự điều hành kinh tế của Chính phủ, thất vọng vì thất nghiệp mãi không giảm, vì tình hình xã hội bất ổn và các scandal làm xấu đi hình ảnh của các đảng phái chính trị.

Martial Foucault, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu chính trị của trưởng Sciences-Po (Paris) nhận định “đang có một sự đứt gãy của nền dân chủ khi các cử tri ngày càng ít quan tâm đến chính trị”. Sự chán nản này đặc biệt cao trong giới trẻ, những người đang cảm thấy “bị gạt ra rìa” vì thiếu công ăn việc làm và thiếu các chính sách hỗ trợ từ các chính quyền địa phương.

Tỷ lệ cử tri vắng mặt sẽ là yếu tố buộc các đảng phái phải cân nhắc để tìm ra chiến lược phù hợp. Theo phân tích, cánh tả, đặc biệt là Đảng xã hội sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cánh hữu nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt cao như dự đoán của các cuộc thăm dò dư luận./.