MBlà tổ chức khủng bố?
MB được thành lập năm 1928 và là tổ chức Hồi giáo lớn nhất ở Trung Đông. Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi là một thành viên của Tổ chức này và MB đã bị chính phủ lâm thời Ai Cập cáo buộc là tổ chức khủng bố vì đã thực hiện nhiều cuộc tấn công tự sát gây chết người, trong đó có cuộc đánh bom đẫm máu tại một đồn cảnh sát ở phía bắc Ai Cập hôm 24/12.
Đường phố tại Ai Cập vẫn chìm trong cảnh bạo lực (Ảnh AP) |
Cuộc khủng bố đã làm chết 14 người, bị thương hơn 134 người. Trong đó có 8 cảnh sát (2 đại tá, 1 trung sĩ và 5 tân binh). Ngay sau đó (25/12) chính quyền Ai Cập tuyên bố cáo buộc MB là tổ chức khủng bố và phong tỏa tài sản của tất cả các thành viên Hội đồng Hướng dẫn và các tổ chức NGO có liên hệ với phong trào này.
Thứ trưởng Tư pháp Ai Cập ông Ezzat Khamis cho biết tài sản của 132 thủ lĩnh của MB đã bị “đóng băng”. Chính phủ đã thành lập ủy ban quản lý tài sản (xe cộ, đất đai và cổ phần tại các công ty niêm yết) của NGO, do MB điều hành. Trước đó, ngày 23/12, Chính phủ Ai Cập cũng đã bắt giữ 4 nhà hoạt động chính trị vì những hành vi chống phá tương tự.
Các cuộc biểu tình và đụng độ tiếp theo đã nổ ra làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 87 người bị thương. Lực lượng an ninh đã bắt giữ tổng cộng 265 người biểu tình, trong đó có 28 phụ nữ. Ba xe cảnh sát đã bị những người biểu tình đốt cháy.
Thủ tướng lâm thời ông Hazem al Beblawi nhấn mạnh: “Bất cứ cá nhân hay tổ chức nào gây ra những hành động vô nhân tính như vậy sẽ phải đối mặt với công lý và bị trừng phạt theo pháp luật”.
Ngay trong ngày 24/12, Ansar Bait al Maqdis đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nói trên. Trong khi tổ chức Hồi giáo cực đoan Salafi - “al-Qaeda mới”, đã đưa ra lời đe dọa thánh chiến toàn cầu.
Hậu thuẫn mong manh
Giới phân tích cho rằng, Ai Cập tuy tình hình rối ren, phức tạp có thể kéo dài nhưng khó nổ ra nội chiến giống như ở Syria vì sự hậu thuẫn bên ngoài – nhân tố có vai trò rất quan trọng, nhất là Mỹ và phương Tây là khá mong manh.
Mỹ và EU, những đồng minh chiến lược của Ai Cập cũng “bó tay”, không thể khuyên can nhà cầm quyền Cairo dừng trấn áp bạo lực các cuộc biểu tình, bởi họ bị quân đội chi phối.
Phương Tây rất mong muốn sớm ổn định tình hình theo nguyên tắc dân chủ, bảo đảm một hành lang thương mại quan trọng của thế giới qua kênh đào Suez. Họ cũng rất khó xử vì hoạt động của Tướng Abdel Fattah el-Sisi được cho là do Mỹ bật đèn xanh.
Vì thế, Washington cũng chỉ “lấy làm tiếc” về tình hình bạo lực tại Ai Cập và thúc giục các bên kiềm chế, tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho rằng, đây cơ hội để EU gây ảnh hưởng tới Ai Cập, nhưng không nên quay lưng lại với Cairo, “chúng ta nên giữ kênh đối thoại với tất cả các bên, để khi có thể hành động, chúng ta sẽ ngay lập tức có mặt”.
Còn Saudi Arabia, UAE và Kuwait đã cam kết sẽ cung cấp cho Cairo 12 tỷ USD ngay sau khi quân đội Ai Cập phế truất ông Morsi ngày 3/7.
Ông Menzies Campbell, Nghị sĩ cao cấp của đảng Dân chủ Tự do Anh cũng đã phải thừa nhận: “Điều này cho thấy, phương Tây hoàn toàn bất lực, chứ không phải chỉ là một sự thất bại đơn thuần”.
Ngày 29/12, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah El Sisi, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã bày tỏ quan ngại về tình hình gần đây trong bối cảnh Ai Cập dự kiến tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp sửa đổi vào đầu năm 2014.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra lời kêu gọi Ai Cập: “tìm ra điểm tương đồng và đồng thuận trong thời kỳ chuyển tiếp của đất nước”.
Về đối nội, tình hình phụ thuộc chủ yếu vào 3 lực lượng hiện đang chi phối quốc gia này bao gồm: quân đội, hồi giáo và dân chủ, thế tục, cánh tả… Vì vậy, mọi quan điểm của họ sẽ tác động, ảnh hưởng đến lực lượng ủng hộ chính phủ lâm thời hiện nay.
Điều quan trọng hơn là lực lượng ủng hộ Tổng thống bị phế chuất Morsi đã có sự chia rẽ sâu sắc, mặc dù Liên minh Quốc gia NASL - lực lượng do MB đứng đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi, tuyên bố phản đối Chính phủ lâm thời Ai Cập “hành xử thô bạo đối với những nhóm người nghèo nhất trong xã hội”, ra các quyết định “bất hợp pháp” và phạm các “tội ác khủng bố”…
Khó thành nội chiến
Tuy nhiên, nhiều người dân Ai Cập cho biết, họ đã ý thức rõ cái giá quá đắt của “Mùa xuân Arab” và mong muốn nhanh chóng thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay.
Một người dân Ai Cập nói: “Tôi không ủng hộ ai, kể cả MB cũng như các tổ chức chính trị khác trong xã hội. Tôi chỉ muốn bày tỏ quan điểm của mình, đó là chúng tôi muốn sống trong tự do, hòa bình và dân chủ”.
Theo các nhà phân tích, tình hình bất ổn tại Ai Cập nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tổ chức MB vừa bị chính phủ cấm hoạt động, coi là “tổ chức khủng bố” và chính thức bị gạt khỏi tiến trình chính trị ở Ai Cập.
Tuy nhiên, điều ẩn giấu bên trong cuộc khủng hoảng lần này là cuộc đấu tranh giữa các phe phái: hồi giáo, quân đội và thế tục, tự do, cánh tả, cơ đốc giáo… trong đó nổi bật là ba phe phái chính là hồi giáo, thế tục (có sự ủng hộ của quân đội) và tự do cánh tả.
Như vậy, sau sáu tháng cuộc chính biến nổ ra tình hình Ai cập diễn ra ngày càng phức tạp. Theo giới phân tích kịch bản “nội chiến” theo kiểu Syria tuy không loại trừ, nhưng rất khó nổ ra vì phái đối lập MB đang có nhiều hoạt động cấu thành tội phạm khủng bố như chính phủ lâm thời cáo buộc và điều quan trọng hơn là không có thế lực quốc tế nào hậu thuẫn từ bên ngoài, nhất là Mỹ và phương Tây./.