Ngày 28/12, những người biểu tình ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo đã đốt 2 tòa nhà trong khuôn viên trường đại học (Al Azhar ở thủ đô Cairo của Ai Cập và đụng độ với cảnh sát). Vụ đụng độ mới nhất này cho thấy những bất ổn vẫn tiếp diễn tại Ai Cập, bất chấp trước đó ngày 25/12, chính phủ nước này tuyên bố Tổ chức Anh em Hồi giáo là tổ chức khủng bố và tăng cường trấn áp.

al-azhar-violencen.jpg
Sinh viên biểu tình đốt phá một tòa nhà của trường đại học Al Azhar (Ảnh: Press TV)

Những sinh viên biểu tình này đã đốt tòa nhà khoa kinh tế của trường đại học Al Azhar sau khi cố ngăn những sinh viên khác làm bài kiểm tra. Tòa nhà khoa Nông nghiệp cũng bị đốt cháy. Tuy nhiên lính cứu hỏa đã có mặt kịp thời để dập lửa.

Trường đại học Al Azha là một trong những trung tâm đào tạo chính của người Hồi giáo dòng Sunni ở Ai Cập và cũng là nơi xảy ra những vụ đụng độ liên tiếp giữa cảnh sát và sinh viên biểu tình phản đối chính phủ những tháng gần đây. Vụ đụng độ mới nhất này đã khiến 1 sinh viên thiệt mạng. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 100 sinh viên vì tội tàng trữ và sử dụng vũ khí trong đó có cả bom xăng.

Vụ việc ngày 28/12 xảy ra sau khi 1 ngày trước đó có 3 người thiệt mạng và 265 người bị bắt sau những vụ đụng độ trên khắp Ai Cập giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Như vậy, bất chấp việc chính phủ Ai Cập đã công bố các mức hình phạt dành cho thành viên và những người có liên hệ với Tổ chức Anh em Hồi giáo hoặc tham gia các cuộc biểu tình do tổ chức này phát động, biểu tình chống chính phủ tại Ai Cập vẫn diễn ra.

Điều đó cho thấy, không phải đến những ngày cuối năm này, Ai Cập mới lâm vào khủng hoảng, mà đã bất ổn ngay từ đầu năm 2013, với sự căng thẳng và phân cực ngày càng rõ nét giữa một bên là phe Hồi giáo và một bên là thành phần quy tụ các chính đảng tự do và cánh tả.

Bất ổn gia tăng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Ai Cập mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và hình ảnh của nước này trên trường quốc tế. Nhiều người dân Ai Cập cho biết họ đã ý thức rõ cái giá quá đắt của bạo loạn và mong muốn nhanh chóng thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay.

Một người dân Ai Câp nói: "Sự tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào tình trạng chính trị ở Ai Cập. Nếu tình hình chính trị ổn định, tôi nghĩ rằng nền kinh tế sẽ phát triển hơn".

Theo các nhà phân tích, tình hình bất ổn tại Ai Cập nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Anh em Hồi giáo vừa bị chính phủ cấm hoạt động, coi là “tổ chức khủng bố” và chính thức bị gạt khỏi tiến trình chính trị ở Ai Cập.

Như vậy, kể từ khi Tổng thống Morsi, một thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo bị lật đổ vào tháng 7, những người ủng hộ tổ chức này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn đòi phục chức cho ông. Thách thức nghiêm trọng của Ai Cập hiện nay là lập trường của các bên tỏ ra hết sức cứng rắn, mâu thuẫn giữa các phe phái ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, vai trò hòa giải của khối Arab cũng như cộng đồng quốc tế rất khó khăn, bởi còn có nhiều chia rẽ, bất đồng./.