Ngay sau khi chính thức tuyên bố Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) là tổ chức khủng bố, ngày 26/12, chính quyền lâm thời Ai Cập đã tiến hành bắt giữ và công bố các mức án nghiêm khắc đối với các thành viên của phong trào này. Điều này khiến Ai Cập có nguy cơ tiếp tục lún sâu vào bạo lực khi Tổ chức Anh em Hồi giáo tuyên bố phản đối quyết định này và kiên quyết chống lại chính quyền.

bieu-tinh-ai-cap.jpg
Một cuộc biểu tình của những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (Ảnh: Press TV)

Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập xác nhận, ngày 26/12, lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ tổng cộng 54 thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo tại 7 tỉnh thành. Những thành viên này bị cáo buộc liên hệ với tổ chức khủng bố, tấn công trụ sở cảnh sát, các cơ quan nhà nước, kích động bạo lực, phát truyền đơn kêu gọi người dân tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp sửa đổi dự kiến diễn ra vào ngày 14 và 15/1 tới.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ai Cập cũng đã công bố các mức hình phạt dành cho các thành viên và những người có liên hệ với Tổ chức Anh em Hồi giáo hoặc tham gia các cuộc biểu tình do tổ chức này phát động với mức án 5 năm tù giam. Riêng những người giữ chức vụ trong Tổ chức Anh em Hồi giáo, tài trợ hoặc cung cấp thông tin cho lực lượng này sẽ bị kết án tù chung thân. Đặc biệt, những người cầm đầu các cuộc biểu tình của Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ phải chịu mức án tử hình.

Bộ Nội vụ Ai Cập cũng công bố quyết định của Chính phủ về việc cấm in ấn và phát hành đối với nhật báo "Tự do và Công lý", cơ quan ngôn luận của đảng cùng tên thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim đã có cuộc họp khẩn cấp với các phụ tá của mình nhằm đề ra kế hoạch đảm bảo an ninh cho các trường học và các tuyến giao thông trên khắp cả nước, đồng thời thảo luận cách thức triển khai thực hiện quyết định ngày 25/12 của Chính phủ coi Tổ chức Anh em Hồi giáo là tổ chức khủng bố.

Trước đó, ông Hossam Eissa, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Ai Cập cũng cho biết, các điều luật chống khủng bố sẽ được áp dụng đối với tất cả những ai tham gia, cung cấp tài chính hay cổ vũ các hoạt động của Anh em Hồi giáo.

Ông Eissa nhấn mạnh: “Chính phủ đã liệt tổ chức Anh em Hồi giáo vào danh sách khủng bố theo điều 86 của Bộ luật Hình sự. Các hình phạt được quy định trong luật pháp sẽ được áp dụng cho tất cả những ai tham gia vào tổ chức này sau khi tuyên bố được ban hành”.

Ông Hossam Eissa còn cho biết, chính phủ đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội bảo vệ các cơ sở công cộng và trường đại học trước các hành động khủng bố của tổ chức này.

Trong khi đó, tình hình căng thẳng chính trị tại Ai Cập tiếp tục dâng cao. Tối 26/12, rạng sáng 27/12, nhiều sinh viên ủng hộ Tổ chức Anh em  Hồi giáo xuống đường biểu tình tại thủ đô Cairo và đụng độ với người dân địa phương. Hai bên đã xả súng vào nhau. Ít nhất 1 người bị thiệt mạng. Cảnh sát phải bắn hơi cay để giải tán đám đông.

Trước đó, một vụ nổ bom ở ngoại ô Cairo làm 5 người bị thương.

Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo dẫn đầu, quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi, ngày 26/12 cũng ra tuyên bố khẳng định, Tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ tiếp tục tăng cường hành động chống lại chính quyền bất chấp việc bị xem là tổ chức khủng bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Aya Alaa, người đứng đầu nhóm “Phụ nữ chống đảo chính”, một đồng minh của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhấn mạnh: "Những lời buộc tội rằng "tổ chức Anh em Hồi giáo là những kẻ khủng bố" không được thừa nhận. Quyết định này được đưa ra vội vàng và không có quy tắc. Trong khi đó, những vụ nổ mà chính phủ cáo buộc tổ chức Anh em Hồi giáo gây ra do nhóm khác thực hiện".

Như vậy, kể từ khi Tổng thống Morsi, một thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo bị lật đổ vào tháng 7, những người ủng hộ tổ chức này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn đòi phục chức cho ông. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời Ai Cập đã thẳng tay đàn áp các hoạt động của Anh em Hồi giáo và hàng trăm người đã bị thiệt mạng trong các cuộc xung đột với lực lượng an ninh.

Thách thức nghiêm trọng của Ai Cập hiện nay là lập trường của các bên tỏ ra hết sức cứng rắn, mâu thuẫn giữa các phe phái ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, vai trò hòa giải của khối Arab cũng như cộng đồng quốc tế là rất khó, bởi hiện tại còn có nhiều chia rẽ, bất đồng./.