Giữa thời điểm nỗi lo lắng đang bao trùm toàn cầu vì đại dịch Covid-19, Bảo tàng Hạnh phúc ra đời với hi vọng sẽ tạo nguồn cảm hứng để mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn và biến thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Thay vì chiêm ngưỡng cầu vồng, những con thú nhồi bông, hay những vật mềm mại, lấp lánh, sáng bóng hấp dẫn như nhiều bảo tàng có chủ đề hạnh phúc khác trên thế giới, khách tới tham quan Bảo tàng Hạnh phúc ở Đan Mạch sẽ được trải nghiệm một tour khám phá về sự hạnh phúc của người dân trên khắp thế giới để hiểu được những quốc gia khác nhau quan niệm về hạnh phúc như thế nào và quan điểm ấy thay đổi ra sao trong từng bối cảnh lịch sử.
Nằm trong tầng hầm của một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Copenhagen, Bảo tàng Hạnh phúc có diện tích 240m2 và chỉ tiếp nhận 25 khách đến thăm mỗi lượt trong bối cảnh chống dịch Covid-19. Bảo tàng được Viện Nghiên cứu Hạnh phúc Đan Mạch thành lập với kỳ vọng là nơi trưng bày những khám phá địa lý, chính trị, lịch sử và tương lai của hạnh phúc, cũng như lý giải vì sao một số xã hội được xem là hạnh phúc hơn những xã hội khác. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc, Đan Mạch là một trong những nước có chỉ số về hạnh phúc và chất lượng cuộc sống cao nhất thế giới.
Ông Meik Wiking, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu hạnh phúc (HRI) và là người sáng lập Bảo tàng Hạnh phúc cho rằng, trong những ngày này sẽ không có nhiều người tới thăm bảo tàng, nhưng thế giới cần thêm những tia hy vọng và hạnh phúc.
“Mục đích của Bảo tàng Hạnh phúc là tạo ra một kho tàng nhỏ nhưng chứa đựng những thứ lớn lao trong cuộc sống. Chúng tôi hy vọng, bảo tàng này sẽ tạo nguồn cảm hứng để mọi người trở nên hạnh phúc hơn và cũng biến thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn”, ông Meik Wiking nói.
Trong cuốn sách “Bí mật của người Đan Mạch để sống hạnh phúc”, ông Meik Wiking chỉ ra rằng: “Chúng ta có thể là người Đan Mạch, Mexico, Mỹ hoặc Trung Quốc, nhưng trên hết chúng ta đều là con người và có quan điểm về hạnh phúc giống nhau. Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ thấy được điều đó ở cuộc trưng bày ở Bảo tàng Hạnh phúc”.
Khách tham quan Bảo tàng Hạnh phúc có thể được chiêm ngưỡng các đồ vật nghệ thuật, hình ảnh và video về những thứ liên quan đến khái niệm hạnh phúc.
“Tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi nghĩ đây là một nơi rất ấm cúng và tôi nghĩ ‘ấm cúng’ có lẽ là từ khóa của hạnh phúc. Bạn biết đấy, một trong những điều làm nên sự nổi tiếng của Đan Mạch chính là hạnh phúc và tôi nghĩ rằng Bảo tàng Hạnh phúc đã chứng minh điều đó”, Michael Rasmussen, một du khách cảm thấy rất hài lòng sau chuyến thăm bảo tàng.
Những lời nhận xét của du khách tại Bảo tàng Hạnh phúc cũng giúp Viện nghiên cứu hạnh phúc thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về sự hạnh phúc. Ông Wiking cho biết, có một du khách tham quan nói rằng, anh ấy luôn biết mình là một người hạnh phúc, nhưng trước đây anh ấy chưa bao giờ hiểu được lý do tại sao mình là một người hạnh phúc.
Ngoài ra, Bảo tàng còn trưng bày các hiện vật về hạnh phúc do người dân từ khắp nơi trên thế giới gửi tới, ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của họ. Một phụ nữ Pháp đã tặng bảo tàng chiếc ống hít chữa bệnh hen suyễn của con gái và giải thích rằng con gái bà đã không còn cần dụng cụ này nữa nữa sau khi họ chuyển đến Đan Mạch sinh sống, nơi không khí ít ô nhiễm hơn. Một bà mẹ người Brazil cho rằng, niềm hạnh phúc là khi bà nhận được bức tranh của con trai mình lúc nhỏ, trong đó cậu bé viết dòng chữ “Con yêu mẹ” bằng hình trái tim.
Mở cửa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Bảo tàng Hạnh phúc được ví như tia hy vọng sáng ngời. Trong tương lai, khi dịch bệnh được kiểm soát, đây chắc chắn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của bất cứ ai khi tới thăm thủ đô Copenhagen của Đan Mạch./.