Ngày 10/3, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin, Giám đốc cơ quan tình báo vùng lãnh thổ Đài Loan Tsai Der-sheng cho biết, họ đã nhận được thông tin đe dọa tấn công khủng bố trước vụ máy bay Malaysia bị mất tích.

may-bay7-1.jpg
Thân nhân một hành khách khóc nấc khi nghe tin máy bay mất tích (Ảnh: AP)

Theo ông Tsai Der-sheng, cơ quan này nhận được một cú điện thoại cảnh báo từ Hãng hàng không China Airlines vào khoảng 16h ngày 4/3, bốn ngày trước khi xảy ra vụ việc chiếc máy bay Boeing777 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích.

Nội dung của cuộc điện thoại này cảnh báo về mối đe dọa tấn công khủng bố có thể xảy ra ở sân bay quốc tế và hệ thống tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Tsai Der-sheng cho biết, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có mối liên hệ giữa việc máy bay của Malaysia bị mất tích với mối đe dọa tấn công khủng bố ở Bắc Kinh.

Sự lo ngại về khả năng chuyến bay MH370 là mục tiêu tấn công khủng bố ngày một gia tăng khi thông báo của Malaysia Airlines cho hay, trên chuyến bay có 158 người Trung Quốc, trong đó có hai người được cho là người Duy Ngô Nhĩ tới từ Tân Cương, một điểm nóng bất ổn của Trung Quốc. 

Ngoài ra còn có hai trường hợp đi trên máy bay mất tích sử dụng hộ chiếu ăn cắp. Cha của một người đàn ông Italy có tên trong danh sách hành khách lên trên chiếc máy bay bị mất tích cho biết, con trai ông đã gọi điện cho ông nói rằng, anh hiện vẫn ở Thái Lan và anh đã bị đánh cắp hộ chiếu hồi tháng 8/2013. Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ những người sử dụng hộ chiếu giả có phải là hai người Duy Ngô Nhĩ nói trên hay không.

Chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines cất cánh lúc 0h41 ngày 8/3 tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia và dự kiến hạ cánh tại sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ 41 phút sau khi cất cánh, tín hiệu của chiếc máy bay đã đột ngột biến mất khỏi màn hình radar./.