Đây là cảnh báo của tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (viết tắt là UNCTAD) trong báo cáo về thực trạng kinh tế ở các vùng lãnh thổ Palestine.

co_so_ha_tang_gaza_gngh.jpg
Cở sở hạ tầng Israel. Ảnh: UHLF.

Tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển cho biết, bên cạnh tình trạng thiếu trầm trọng điện, nước sinh hoạt, 1,8 triệu cư dân ở dải Gaza sống trong hoàn cảnh hạ tầng cơ sở hầu như bị tàn phá trong cuộc xung đột với Israel vào năm ngoái.

Các chuyên gia cho biết, kinh tế ở dải Gaza phát triển thụt lùi, do chịu hậu quả của 3 cuộc chiến tranh chỉ trong vòng 6 năm và 8 năm bị Israel bao vây kinh tế. Phần lớn dân số ở đây sống trong cảnh nghèo túng cơ cực, phải dựa vào viện trợ nhân đạo của quốc tế.

Chiến tranh liên miên đã khiến dải Gaza không còn khả năng xuất khẩu, hay sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng như không còn thời gian cho tái thiết. Báo cáo cho biết thiệt hại kinh tế trực tiếp do 3 chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza từ năm 2008 đến 2014 gấp ba 3 lần GDP của dải Gaza. Cuộc chiến năm 2014 cũng làm nửa triệu người đi sơ tán.

Ông Mahmoud Elkhafif, chuyên gia thuộc UNCTAD cho biết: “Thực tế là điện sinh hoạt không đủ, nhiều bệnh viện bị tàn phá. Nước uống cũng không đủ, đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo đây. Trước cuộc xung đột năm 2014, chúng tôi đã tiến hành một cuộc nghiên cứu cho thấy, dải Gaza sẽ không thể sống nổi vào năm 2020 bởi điều kiện sống rất tồi tàn, kém hơn cả năm 2014.”

Israel bị chỉ trích góp phần gây ra sự kiệt quệ của kinh tế dải Gaza do đã giữ lại gần 700 triệu USD tiền thuế thu hộ chính quyền Palestine trong 4 tháng đầu năm nay. Khoản tiền thuế là nguồn thu chính cho ngân sách ở Bờ Tây và dải Gaza nhưng đây là lần thứ 6 kể từ năm 1997, Israel giữ lại khoản tiền này./.