Ngày 26/8, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thông báo một lệnh ngừng bắn dài hạn ở Dải Gaza, kết thúc 50 ngày giao chiến lấy đi cuộc sống của 1.235 người Palestine và 69 người Israel (hầu hết là dân thường, thậm chí cả trẻ em). Cuộc giao tranh cũng tàn phá đường sá, làm đổ nhiều ngôi nhà, buộc hàng nghìn người dân phải di tán.
Sau lời thông báo ngừng bắn, Tổng thống Palestine đồng thời kêu gọi quốc tế viện trợ nhân đạo khẩn cấp đối với Dải Gaza. Ông Abbas nói: “Viện trợ nhân đạo là cần thiết lúc này để chữa lành vết thương cho Gaza”.
Gaza ngừng tiếng súng, người dân hạnh phúc
Ngay khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, người dân Palestine ở cả Dải Gaza và khu Bờ Tây, đã đồng loạt đổ ra đường ăn mừng việc chấm dứt chiến sự. Nhiều người vũ trang Palestine đã bắn những loạt súng chỉ thiên trong sự phấn khích cao độ. Cho đến đầu giờ sáng 27/8, hàng trăm người vẫn tụ tập ăn mừng tại thành phố Gaza thuộc Dải Gaza và thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây.
Một cư dân tại Dải Gaza bày tỏ vui mừng: “Thật là một cảm giác tuyệt vời. Mặc dù đã có những thương vong, những nỗi đau, sự phong tỏa và phá hủy nhưng hôm nay, chúng tôi có quyền được hạnh phúc”.
Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng ủng hộ sự kiện ngừng bắn vô thời hạn này giữa Israel và Palestine. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26/8, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon mong muốn lệnh ngừng bắn vô thời hạn giữa Israel và Palestine sẽ là sự khởi đầu cho một tiến trình đi đến một nền hòa bình bền vững tại Trung Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng hy vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ bền vững, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tại Dải Gaza. Bà Jen Psaki cũng nhấn mạnh rằng, thỏa thuận ngừng bắn đạt được sau nhiều giờ và nhiều ngày đàm phán, song chắc chắn cả 2 bên sẽ còn một con đường dài phía trước để có thể xóa bỏ những mâu thuẫn còn tồn tại.
Dù chưa biết được trước mắt tương lai sẽ như thế nào nhưng việc Dải Gaza không còn tiếng súng nổ đã mang lại cho người dân hai nước nhiều hy vọng mới về cuộc sống hòa bình, tốt đẹp hơn.
Những kế hoạch ở Dải Gaza sau lệnh ngừng bắn có khả thi?
Theo Reuters, trong giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn, tức là một tháng sau, dự kiến Israel và Palestine sẽ cùng thảo luận về việc xây dựng một cảng biển tại Dải Gaza, phóng thích các tù nhân Hamas bị quân đội Israel bắt giữ tại Bờ Tây.
Hiện tại lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza sẽ do Liên Hợp Quốc giám sát. Israel và Ai Cập cũng đã thống nhất sẽ đảm bảo trong thời gian tới vũ khí sẽ không được chuyển lậu vào Gaza.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng đề cập tới việc 2 bên sẽ thảo luận về việc chấm dứt cuộc phong tỏa Dải Gaza kéo dài suốt 8 năm qua của Israel. Theo đề xuất của Ai Cập-quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải, hai bên cam kết sẽ ngừng bắn vô thời hạn và Israel sẽ nới lỏng kiểm soát hai cửa khẩu với Gaza cho việc vận chuyển hàng cứu trợ và vật liệu để tái thiết vùng lãnh thổ Palestine này.
Theo phân tích của Kevin Connolly, phóng viên của BBC, người dân cả 2 bên Dải Gaza đều tin rằng nỗi đe dọa chết chóc nay đã được dỡ bỏ. Nhưng sau lệnh ngừng bắn này, những tính toán chính trị đầy lạnh lùng có lẽ cũng đang được cân nhắc.
Theo Kevin Connolly, các cuộc ăn mừng “chiến thắng” vẫn diễn ra trên những con đường tại thành phố Gaza. Tuy nhiên trên thực tế, lực lượng Hamas đã không đạt được sự nhượng bộ nào để đổi lấy một thỏa thuận ngừng bắn.
Bởi vậy, phóng viên Kevin Connolly khẳng định, trong giai đoạn này, sẽ không có thỏa thuận nào về việc mở cảng biển hay sân bay ở đây. Mặt khác, liệu Israel có nhanh chóng nới lỏng kiểm soát hai cửa khẩu với Gaza hay không, câu hỏi này vẫn chưa được giải đáp.
Những lệnh ngừng bắn trước đó đã sụp đổ sau vài ngày, thậm chí sau vài giờ chính là bằng chứng mạnh mẽ chứng tỏ con đường đi đến hòa bình thực thụ ở Dải Gaza vẫn còn xa.
Cuộc chiến tạm ngưng, nỗi đau còn lại
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng những người dân Dải Gaza đã mất nhà cửa, và thời gian tới họ vẫn sẽ vẫn phải sống cuộc sống thiếu thốn điện, nước, thức ăn và nơi ở dù Gaza đã ngừng chiến tranh. Nhiều gia đình ở Gaza phải lâm vào cảnh bố mẹ mất con, những đứa trẻ trở nên mồ côi cha mẹ, anh chị em không còn được gặp lại nhau.
Nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cuộc chiến trên Dải Gaza có lẽ chính là những đứa trẻ ngây thơ vô tội. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ngày 5/8 đã tổ chức họp báo tại Geneva công bố đánh giá về tác động từ cuộc xung đột tại Dải Gaza với trẻ em ở vùng đất này.
Theo UNICEF, hơn 408 trẻ em đã bị giết hại khi Israel phát động chiến dịch “Bảo vệ biên giới” tại Dải Gaza từ ngày 8/7, 70% số trẻ em thiệt mạng này dưới 12 tuổi, 373.000 trẻ em chịu những tổn thương trực tiếp từ các cuộc tấn công, trong đó nhiều em cần đến điều trị tâm lý đặc biệt. Đây là những con số đáng lo ngại đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn UNICEF Christopher Tidey cho biết, hơn 140 trường học tại Dải Gaza đã bị phá hủy bởi đạn pháo chỉ trong chưa đầy 1 tháng nổ ra xung đột.
Ông Tidey nói: “Trẻ em tại Dải Gaza đang phải chứng kiến bạo lực tàn khốc mỗi ngày. Các em không được đến trường trong khi điều kiện kinh tế lại là không thể tại vùng đất bị bao vây. Khi đến tuổi trưởng thành để tìm việc làm, thì tình hình này sẽ khiến các em dễ bị chiêu mộ hoặc các em sẽ tình nguyện tham gia các nhóm vũ trang. Và đây là mối đe dọa rõ ràng với trẻ em tại Dải Gaza trong bối cảnh hiện tại”.
Gaza có thể chấm dứt tiếng súng, nhưng nỗi đau mà cuộc chiến này sẽ còn dai dẳng mãi. Nhất là với những đứa trẻ vô tội ở lứa tuổi mà ở những quốc gia hòa bình khác vẫn chỉ đang lo học hành, vui chơi thì tại Gaza những đứa trẻ này đang phải chịu quá nhiều mất mát và tổn thương, mà thậm chí có thể sẽ ám ảnh chúng suốt đời./.