Mỹ và NATO cần thực hiện một số bước đi để tránh xung đột trực tiếp với Nga ở Ukraine, think tank hàng đầu của Lầu Năm Góc Rand Corporation cho hay.
Theo tổ chức này, các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã tạo điều kiện cho một trong những khả năng leo thang căng thẳng trong khi những đợt vận chuyển vũ khí liên tục tới Ukraine có thể gây ra những kịch bản leo thang khác.
Những lo ngại rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ leo thang thành cuộc chiến giữa Nga và NATO đã "được thấy rõ", nghiên cứu của RAND cho hay. Trong khi đối đầu Nga - NATO là kịch bản có thể xảy ra thì sự leo thang căng thẳng không phải là không thể tránh khỏi nếu Mỹ và đồng minh thực hiện những động thái ngăn chặn điều đó.
Các nhà nghiên cứu của RAND đã vạch ra 4 kịch bản leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây, bắt đầu là các lệnh trừng phạt chống Nga do Mỹ và đồng minh thực hiện. 3 kịch bản còn lại bao gồm: Nga tin rằng NATO sắp can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến, các loại vũ khí được vận chuyển tới Ukraine tạo ra khác biệt lớn trên chiến trường và những bất ổn trong nước đe dọa chính phủ Nga.
"Moscow vẫn chưa phản ứng trực tiếp một cách mạnh mẽ" trước các hành động của phương Tây, từ các lệnh trừng phạt cho tới việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Rủi ro nghiêm trọng nhất khiến Nga quyết định leo thang căng thẳng bằng một cuộc tấn công vào các đồng minh của NATO đến từ việc Moscow cho rằng các cuộc tấn công trực tiếp trên quy mô lớn của NATO vào các lực lượng của Nga sắp diễn ra".
Việc triển khai các cuộc tấn công tầm xa trên Biển Baltic, Ba Lan và Romania, hoặc việc các nước thành viên NATO đưa các tình nguyện viên tới tham chiến - những động thái đang diễn ra, đều có thể thúc đẩy kết luận này, RAND cảnh báo, đồng thời cho rằng kịch bản đó có khả năng dẫn đến nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.
RAND khuyến cáo Washington rằng Mỹ và NATO cần "tiếp tục cho thấy rằng họ không có kế hoạch tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột", đồng thời bác bỏ những nhận định công khai của các quan chức về việc kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga.
NATO vẫn nên "tăng cường lực lượng ở sườn Đông" nhưng cần tập trung vào khả năng "phòng thủ" và đánh giá lại các hoạt động như tập trận quân sự để "tránh gây ra ấn tượng giả rằng tổ chức này đang chuẩn bị cho các hành động tấn công", các nhà nghiên cứu cho hay.
Nếu các vũ khí của phương Tây được vận chuyển tới Ukraine bắt đầu "thay đổi cục diện cuộc chiến mạnh mẽ", Moscow có lẽ sẽ nhắm vào các đợt vận chuyển này. Những cuộc tấn công như vật có thể khiến căng thẳng leo thang, các nhà nghiên cứu cho hay. Một biện pháp đối phó khác được các nhà nghiên cứu này đề xuất là NATO nên tiếp tục huấn luyện binh lính và cung cấp vũ khí cho Ukraine "một cách phân tán và bí mật".
Một thực tế cũng được thừa nhận trong báo cáo trên là sự hỗ trợ vũ khí của phương Tây sẽ không "thay đổi đáng kể cuộc chiến với Nga".
Cuối cùng, báo cáo này cảnh báo Mỹ và NATO cũng có thể là nguyên nhân khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang và dẫn tới đối đầu trực tiếp với Nga./.