Bình luận về quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova cho biết, Dự thảo về nhiệm vụ mới dựa trên chính sách đối ngoại và các ưu tiên an ninh của Cộng hòa Séc. Ưu tiên của Séc là tăng cường biên giới phía Đông của NATO. Séc coi trọng tư cách thành viên của Liên minh và muốn trở thành đồng minh tin cậy.

Bộ trưởng Jana Cernochova cũng cho biết, đề xuất này không bao gồm việc quân đội Séc tham gia vào sứ mệnh huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Mali và Iraq bởi các nội dung này mới đang được thảo luận ở EU. Nếu quân đội tiếp tục hoạt động trong các nhiệm vụ này, Bộ quốc phòng sẽ đệ trình một đề xuất vào mùa Thu tới. Khi đó, sẽ có tổng cộng 1.362 binh sĩ có thể hoạt động trong các nhiệm vụ vào năm 2023 và 2024.

Một phần khác của đề xuất được đệ trình là việc các binh sĩ đồng minh ở lại lãnh thổ Séc chỉ giới hạn ở mức tối đa 800 người. Theo những người đề xuất, đây chỉ là biện pháp bảo vệ trong trường hợp các cuộc tập trận lớn hơn hoặc chuyển giao lực lượng dự phòng, dự kiến có liên quan đến tình hình ở biên giới phía đông của liên minh và giới hạn 48 giờ do luật thiết lập đối với các lực lượng đồng minh có thể là không đủ.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định các hoạt động nước ngoài khác bao gồm: Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATO lãnh đạo ở Kosovo (KFOR), hoạt động của Lực lượng Hải quân Liên minh châu Âu (EU Irini) ở Địa Trung Hải, Lực lượng Quan sát viên Đa quốc gia (MFO) ở Sinai, Phái đoàn Ổn định Tích hợp Đa chiều của Liên Hợp Quốc tại Mali (MINUSMA) và Lực lượng quan sát viên ngăn chặn của Liên hợp quốc (UNDOF) ở Cao nguyên Golan...

Trong những năm gần đây, quân đội Séc đã gửi nhiều binh sĩ nhất đến Afghanistan, Mali và Baltics. Nhiệm vụ ở Afghanistan kết thúc với sự rút lui của các lực lượng đồng minh một năm trước. Tuy nhiên, số lượng binh sĩ ở nước ngoài đã tăng đáng kể vào mùa xuân này sau khi cuộc xung đột Nga-Ucriana bùng phát và Cộng hòa Séc quyết định gia nhập đơn vị đa quốc gia của liên minh./.