Truyện ngắn “Phòng khách” lấy bối cảnh là phòng khách của một ông có vai vế nào đó, nơi tổ chức các cuộc tiếp tân, nơi giới trí thức nghệ sỹ quốc nội rất năng lui tới để gặp gỡ Tây, tìm kiếm cơ hội xuất ngoại. Chúng ta bắt đầu cảm nhận được giọng văn vừa tưng tửng, vừa giễu nhại của nhà văn trong cách quan sát, miêu tả thật chi tiết, tường tận đến mỗi nhân vật, sự việc.

Cái không khí của đổi mới, mở cửa hội nhập như thổi vào xã hội Việt Nam một nhiệt lượng cực mạnh, làm tất cả phải cuốn theo những cách chưa từng có trước đó. Người ta trở nên năng động hơn, khôn ngoan hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn nhưng không giấu được những nhố nhăng nực cười. Vì thế mà các nhân vật xuất hiện với những gương mặt khác nhau, thoạt trông thật oai vệ, đường hoàng nào giáo sư sử học, võ sư nói toàn giọng điệu nghiêm ngắn, học thức mà không giấu nổi những tật xấu cố hữu.

Chi tiết lần lượt bộ cốc pha lê sáu cái chỉ còn sót một, số ấy nằm trong túi áo của vị giáo sư sau mỗi lần đến nhà uống rượu đàm đạo khiến cho người đọc, người nghe được phen cười ngả cười nghiêng, cười thật dài để rồi phải nghĩ thật lâu. Nhân vật tôi – người kể chuyện cứ lặng lẽ quan sát, ghi nhận, cố ghìm mình để không bật lên tiếng cười trước những hoạt cảnh đời sống khắc tạc cái xấu xí của người Việt khi bước vào hội nhập.

Người kể chuyện có thể giấu được tiếng cười ẩn ý nhưng giọng văn tưng tửng, cách kể độc đáo, tung tóe những lớp sóng ngôn từ bụi bặm vỉa hè pha lẫn ngoa dụ làm cho người đọc, người nghe được phen cười ra nước mắt.

“Lại những bóng người cầm ly rượu di chuyển khắp phòng tìm đầu ra đối tác bạn đồng nghiệp. Rượu đổ chỗ này. Đĩa vỡ chỗ kia. Cả đống giấy ăn vò nhàu ném hết xuống gầm bàn gầm ghế, thói quen Giao Chỉ khó bỏ. Tất cả vì một nền văn học, sử học, khoa học nhân văn, khoa học com piu tơ… Tôi đi dạo trong rừng khoa học lòng hoang mang chưa từng thấy…”, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ hình dung về một góc xã hội nực cười, méo mó đến nhường nào. Đằng sau câu chuyện là một câu hỏi đầy hoài nghi của nhà văn trước sự đổi thay xô bồ và rệu rã ấy…/.