Tính chất kỳ ảo, hư tưởng xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm của nhà văn Đức Ban. Khi là ánh lửa mờ ảo, tán cây nhập nhoạng, cái lò gạch hoang tàn, lúc thì người đàn bà hát ca điên dại, hay tiếng vọng bên sông...

Ở truyện ngắn này là không gian có phần kỳ ảo của hồ Ngàn Huội, của ngôi nhà thờ cụ Phan và tiếng hát của lão Xín hòa trong tiếng gió rừng. Không khí huyền hoặc, đượm màu liêu trai tạo một bối cảnh mờ sương hư hư thực thực, cuốn hút người đọc người nghe.

Tuy nhiên, bối cảnh chỉ làm nền cho câu chuyện và làm nổi bật tính cách nhân vật, từ đó nhà văn gửi gắm thông điệp. Hóa ra di sản văn hóa không chỉ là những thứ ta nhìn thấy, sờ thấy và cầm nắm mà nó còn tồn tại trong nếp sinh hoạt hàng ngày, trong lời ăn tiếng nói, trong phong tục tập quán của người dân (mà lão Xín-người dân tộc Chứt là đại diện tiêu biểu).

Chi tiết lão Xín nhìn thấy hai cái đầu người áp lên nhau, giẻ xương sườn đan vào nhau; cánh tay, cẳng chân khoèo vào nhau ở dưới đáy hồ mà nhân vật “Tôi” không nhìn thấy là chi tiết gợi nhiều liên tưởng. Rằng chỉ những ai thực sự trân trọng giá trị truyền thống gia đình, quê hương mới có thể nhìn thấy.

Rằng những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, hãy làm việc với một cái tâm, đồng cảm đồng điệu với người dân-những người đang gìn gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.../.