Mỗi nhà văn chưa thực sự dấn thân đến tận cùng cho sáng tạo nghệ thuật của mình

PV:Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét rằng chúng ta đang thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người... Ông nghĩ sao về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:Những trăn trở của Tổng Bí thư chia sẻ trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 cũng là vấn đề được đặt ra cho những người quản lý, các nhà văn và đặc biệt là bạn đọc trong nhiều chục năm trở lại đây. Phải nói rằng văn học luôn phát triển, mỗi ngày một mở rộng chiều kích về tác phẩm, nghệ thuật, ngôn ngữ, về những vấn đề đặt ra cho tác phẩm văn học cũng như về tư tưởng. Đội ngũ sáng tác cũng trở nên đông đảo hơn, trí tuệ hơn rất nhiều. Cho nên đòi hỏi một tác phẩm vượt trôi lên thì đó là một thách thức lớn lao mà mỗi nhà văn cần nỗ lực.

Hơn nữa cũng phải nói rằng, tâm thế của các nhà văn đối với ngòi bút sáng tác của mình thời nay đã khác so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong chiến tranh, các nhà văn coi sứ mệnh của văn chương đồng hành, cùng chung sự sống còn với dân tộc.

Ngày nay, cái sự nghĩ đến văn chương, sự cần thiết của văn chương cũng như các tác phẩm văn học nghệ thuật đã bị giảm đi. Truyền thông, giải trí, các ngành nghề khác đã chen vào đời sống, làm lấn át văn chương, ít nhiều ảnh hưởng đến việc cầm bút của nhà văn. Hơn tất cả, ngày nay, mỗi nhà văn chưa thực sự dấn thân đến tận cùng cho sáng tạo nghệ thuật của mình.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi thấy tính dự báo của các tác phẩm đã bắt đầu tiếp cận vào những vấn đề lớn của đất nước và rất có thể sẽ có những tác phẩm lớn ra đời. Chúng tôi đang chuẩn bị trao giải thưởng Nhà văn trẻ dưới 35 tuổi. Tôi rất vui mừng vì ở đó các nhà văn đã bước vào một tư thế khác, với một thi pháp khác, phản ánh những vấn đề của thời đại. Tôi tin rằng họ sẽ tạo ra những đột biến, những bước ngoặt lớn trong văn chương.

PV:Theo ông, những khó khăn, vướng mắc của các văn nghệ sĩ hiện nay trong việc sáng tác những tác phẩm hay là gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:Khó khăn lớn nhất chính là trong bản thân người cầm bút. Chúng ta ngày xưa khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí những năm tháng chiến tranh có những nỗi đau thương chúng ta không dám viết. Bởi vì chúng ta dành tất cả tinh thần của nền văn chương thời đó cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước ngoại xâm. Bây giờ thách thức lớn nhất là mỗi nhà văn có vượt qua được giới hạn của mình không, có dấn thân trọn vẹn cuộc đời, trí tuệ, cảm xúc của mình, tình yêu thương, khát vọng của mình vào trong tác phẩm hay không? Hay họ chỉ bước vào văn chương như một cuộc dạo chơi bình thường, xong rồi lại rời đi?

Bây giờ thời đại đã khác, điều kiện sống của mỗi nhà văn đã khác những năm tháng chiến tranh rất nhiều. Những chiều kích của dân chủ đã được mở ra. Chúng ta có quyền nói về cái chết, có quyền nói về nỗi đau, có quyền nói về sự tuyệt vọng. Đề tài không giới hạn nữa. Nó chỉ phụ thuộc vào cái trái tim, trí tuệ và sự dấn thân của nhà văn mà thôi.

Mỗi nhà văn phải nghĩ rằng, họ phải là người ghi chép lại thời đại của mình một cách trung thực, quả cảm và có trí tuệ nhất để lý giải những vấn đề mà chúng ta đang phải đối đầu, để gieo vào con người ta những khát vọng làm người đẹp đẽ. Cái khó khăn lớn nhất chính là sự thách thức, dấn thân của các nhà văn.

PV:Như ông vừa nói thì ngày nay, nhiều nhà văn, nhà thơ chỉ bước vào văn chương như một cuộc dạo chơi, vì rõ ràng là rất ít người sống được bằng tác phẩm của mình. Có phải chính vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền cũng ảnh hưởng đến việc sáng tác ra một tác phẩm hay?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:Nhà văn sống được bằng nghề rất ít, họ thường làm thêm những việc khác ngoài văn chương. Bây giờ các nhà văn ngoài viết còn những công việc khác, những nỗi lo khác, vẫn đi làm kiếm sống. Rất ít nhà văn sống được bằng tác phẩm của mình.

Nhưng vật chất không phải là điều quyết định có tác phẩm hay hay không. Người không có tài, không có tấm lòng, không có trí tuệ, không dày vò trong sáng tác của mình thì dù có đầu tư hàng triệu USD cũng không thể mang lại được điều gì tốt đẹp, hay ho trong trang viết của mình. Vẫn có những nhà văn sẵn sàng sống một cuộc sống vô cùng bình dị để theo đuổi một tác phẩm lớn của họ, thậm chí dành cả cuộc đời cho văn chương dù số đó không nhiều. 

Nhưng việc không có được một tác phẩm hay, tác phẩm lớn thì vật chất hay điều kiện sống chỉ là lý do thứ yếu.

Chống lại cái ác là cuộc chiến mãi mãi của những người cầm bút

PV:Các nhà văn trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã hoàn thành sứ mệnh xuất sắc của mình. Vậy trong thời kỳ đổi mới, chúng ta nên nhìn nhận vai trò của văn nghệ sĩ ra sao?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Các nhà văn trong hai cuộc kháng chiến đã đồng hành cùng đất nước, kêu gọi con người vì khát vọng hòa bình, dâng hiến cả sinh mệnh của mình cho độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Sang đến thời bình, chúng ta đòi hỏi ở các nhà văn nhiều hơn. Một là họ phải quay trở lại để lý giải những hy sinh mất mát, khẳng định một lần nữa tất cả những gì mà dân tộc đã đi trên chặng đường đầy máu và nước mắt để giành độc lập thống nhất Tổ quốc. 

Nhưng điều quan trọng nhất thách thức các nhà văn là phải bảo vệ chủ nghĩa nhân văn trong đời sống hiện nay. Chưa bao giờ văn hóa, đời sống tinh thần con người bị đe dọa như bây giờ. Chưa bao giờ, những chủ nghĩa thực dụng, lối sống vô cảm, giá lạnh, thiếu chia sẻ, thiếu tình thương yêu của con người lại có thể tăng lên như bây giờ. Văn chương có nhiệm vụ đến tận cùng là kêu gọi nhân tính trong mỗi con người. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đặt văn hóa lên ngang tầm những lĩnh vực khác. Một mặt nói lên tầm quan trọng của văn hóa, nhưng trong đó cũng chưa đựng cảnh báo về những sự xói mòn, sự đe dọa đối với văn hóa dân tộc, văn hóa của con người Việt Nam. Việc đó vô cùng hệ trọng và cần thiết. 

Tôi nghĩ sứ mệnh của các nhà văn hiện nay là chống lại cái ác. Trong bài phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn lần thứ X, đồng chí Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí thư đã nói rằng, kẻ thù trước kia của chúng ta có thể nhìn thấy được, đó là những kẻ xâm lược. Nhưng bây giờ chúng ta không nhìn thấy, kẻ thù có khi mang gương mặt thiện, đầy phép trá hình. Nhiệm vụ của văn chương bây giờ khó hơn. Kẻ thù thậm chí là cái ác  trong chính chúng ta, người bên cạnh chúng ta… Cái ác có thể chiếm lĩnh ở trong con người nếu chúng ta rời bỏ cái đẹp. Và cuộc chiến chống lại cái ác là cuộc chiến quan trọng nhất, cuộc chiến vĩnh hằng, cuộc chiến mãi mãi của những người cầm bút.

PV:Vậy theo ông, làm sao để chúng ta ngày càng có thêm nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật sống mãi với thời gian, định hướng được chức năng giáo dục, bồi đắp cái đẹp, chân – thiện – mỹ như tinh thần của Hội nghị Văn hoá toàn quốc vừa diễn ra tại Hà Nội?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:Mỗi nhà văn cầm bút hãy biết rằng, cầm bút bởi đòi hỏi tự thân của mình, bởi những điều đẹp đẽ đang vang lên trong mình, bởi những nỗi sợ hãi của những cái xấu đang đe dọa ngay trên bậc cửa nhà mình. Khi nhà văn cầm bút vì điều đó, thực sự và chỉ vì điều đó thôi thì tôi nghĩ bắt đầu văn chương sẽ hiện ra, sẽ bước đến trong đời sống của bạn đọc. Còn chúng ta chỉ viết để trở thành một nhà văn, viết như  một sự phản ứng một điều gì đó, viết như một sự tức tối điều gì đó, bày tỏ sự ích kỷ cá nhân của mình thì sẽ khác. Sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật cho chúng ta một đôi cánh. Nhưng ranh giới giữa sự tự do và tùy tiện mong manh lắm. Sự tùy tiện cá nhân trong sáng tạo sẽ vùi trang viết của tác giả vào trong bóng tối.

Để có tác phẩm lớn, mỗi một người phải suy nghĩ một cách thấu đáo nhất trách nhiệm cao nhất, trung thực nhất với thời đại mình đang sống và những vấn đề con người đang phải đối mặt và phải viết nó bằng một tình yêu thương, cảm xúc, bằng sự sợ hãi rằng, nếu không viết ra thì cái đẹp sẽ bị trấn áp, bị đe dọa, bị xâm phạm. 

Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để có một tác phẩm lớn, tác phẩm hay. Câu hỏi này không phải bây giờ mới đặt ra. Không phải chỉ đặt ra với các nhà văn Việt Nam mà đặt ra cho các nhà văn trên toàn thế giới, từ lúc văn học xuất hiện, từ truyền miệng cho đến chữ viết. Câu hỏi luôn luôn đặt ra là làm sao có thể tạo ra một tác phẩm có thể thay đổi con người, có thể thắp lên ánh sáng, hi vọng.

Về phía những nhà quản lý, phải thấu hiểu bản chất của văn chương, đó là tôn trọng sự thật, khám phá vẻ đẹp, cảnh báo những vấn đề có thể xảy ra với con người. Nhiều năm về trước, có những thời điểm các nhà văn băn khoăn về tự do, dân chủ trong sáng tạo, không có sự đón nhận tính đa phong cách, đa tầng của 1 tác phẩm. Nếu không thấu hiểu bản chất của văn chương, những nhà quản lý có thể vô tình là những người đáng nhẽ ngăn chặn những khuynh hướng xấu của những người cầm bút thì vô tình cản trở sự sáng tạo. Sáng tạo là phi biên giới, sáng tạo là không bao giờ lường trước được. Cho nên sự chấp nhận của nhà quản lý, thấu hiểu bản chất của văn chương, văn học nghệ thuật của nhà quản lý chính là để tạo ra điều kiện tinh thần cho người sáng tác.

PV:Xin cảm ơn ông!./.