Hội nghị toàn quốc về văn hóa vừa qua là một hội nghị rất quan trọng, để triển khai Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và ghi nhận văn hóa là một trong những lĩnh vực rất quan trọng trong đời sống. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng vào những bước chuyển quan trọng sau Hội nghị để văn hóa là nguồn lực nội sinh của đất nước, là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt và khí chất của dân tộc.
Cùng với chính trị, kinh tế và xã hội thì văn hóa là một trong các trụ cột phát triển đất nước. Chính vì tầm vóc của văn hóa, vì điều kiện và những tác động của văn hoá nên tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng, nhấn mạnh tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa, tư duy của Đảng từ khi thành lập đến nay và nhất là xây dựng văn hóa trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển đất nước. Nêu bật vị trí, vai trò của văn hóa là nguồn lực nội sinh của đất nước và cũng vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển đất nước.
Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Hiền, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Trong bài phát biểu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ quan điểm ngày càng phát triển và nhận thức ngày càng rõ hơn sâu hơn về văn hóa của Đảng ta. Thứ hai, trong quá trình thực hiện có nhiều vận dụng sáng tạo đưa vai trò, tầm vóc văn hóa có những bước phát triển mới. Thứ ba, trước tình hình mới việc phát triển văn hóa phải có điều kiện, có những sáng tạo và có những bước đột phá để đưa đất nước tiến lên, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế và vị thế vai trò của đất nước như hiện nay”.
Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như nguồn tài nguyên, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điều quan trọng là phải đổi mới tư duy. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Văn hóa sẽ là nền tảng để đưa đất nước chúng ta phát triển lành mạnh, văn minh tiến bộ và phát huy được truyền thống văn hóa của dân tộc. Một dân tộc có văn hóa là một dân tộc tiến bộ, mà xã hội đó tốt đẹp, bình đẳng và tiến bộ. Tôi hy vọng các ngành phải nghiên cứu các Văn kiện của Đảng về văn hóa và từ đó trong từng lĩnh vực của mình làm sao sống có văn hóa, hoạt động văn hóa và đất nước, làm cho chúng ta sống cuộc sống có văn hóa”.
Văn hóa không thể tách rời với con người. Càng trong khó khăn thì văn hóa càng phải được coi trọng, trong đó có văn hóa gia đình, nơi xây dựng, rèn giũa nhân cách con người. Giáo sư Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa con người gắn chặt với nhau như hai trang của một tờ giấy. Đố ai có thể tách một trong hai trang tờ giấy ra. Việc tách một trong hai trang tờ giấy có thể xé rách tờ giấy. Văn hóa đối với con người cũng vậy. Nếu tách văn hóa ra khỏi con người sẽ hủy diệt văn hóa. Tách con người ra khỏi văn hóa sẽ hủy diệt con người. Cho nên vấn đề đặt văn hóa trong giá trị tương quan với con người là cực kỳ quan trọng. Đây là một điểm sáng của Đại hội 13 mà chúng ta nên lưu ý”.
Điều đặc biệt quan trọng là xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa nêu gương trong Đảng chính là một trong những mấu chốt dẫn đến xây dựng đảng trong sạch vững mạnh.
Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải, Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho rằng: “Trong chống tham nhũng tôi nghĩ chính là văn hóa lòng tự trọng và nhân phẩm những giá trị mà con người, nhất là đảng viên và những người có chức có quyền theo đuổi. Những giá trị cao quý của lối sống, văn hóa sẽ ngăn ngừa người ta không tham nhũng. Trong lúc khó khăn, nhiều tấm gương về giữ cả một khối tài sản của đất nước nhưng không có tơ hào thì đấy là đạo đức là văn minh văn hóa”.
Trước sự mai một của văn hóa truyền thống, nhiều nghệ sỹ mong muốn những bước chuyển quan trọng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu kỳ vọng: “Sân khấu đang rất là khó khăn. Đề nghị với các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để cho chúng tôi có một nơi yên tâm để sáng tạo nghệ thuật, để xây dựng nên những tác phẩm tốt cho ngành sân khấu. Vì sân khấu cũng đang gặp vấn đề là rất khủng hoảng khách. Vì vậy, chúng tôi sự quan tâm của các nhà lãnh đạo”.
Trong khi đó, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Hiện tại, rất nhiều lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa có luật. Chúng tôi đang chờ đợi Luật Mỹ thuật ra đời để tiếp tục Nghị định 113 của Chính phủ trong mười mấy năm qua thì tính khả thi nào cũng có nhưng nó chưa đủ hiệu lực để mà chúng ta giải quyết được những câu chuyện, những vấn nạn trong đời sống văn hóa”.
Sản phẩm văn hóa không phải có trong ngày một, ngày hai mà là quá trình lâu dài, bền bỉ, liên tục, đòi hỏi sự quyết liệt và nỗ lực hơn. Đặc biệt đặt nhân dân là chủ thể, là trung tâm, trong đó xác định đội ngũ văn nghệ sỹ, những người làm công tác văn hóa giữ vai trò chủ chốt. Chính vì vậy, việc quan trọng là lựa chọn những lĩnh vực, trọng tâm có tính đột phá để thực hiện được những nội dung đã được Hội nghị Văn hóa toàn quốc xác lập và định hình./.