Vào hạ tuần tháng 12 này, tổ máy số 1 Nhà máy thuỷ điện(NMTĐ) Lai Châu phát điện. Trong năm 2016, sẽ phát điện hai tổ máy còn lại. Sự nghiệp trị thuỷ sông Đà, bắt dòng nước bạc làm ra dòng điên mà Đảng và nhân dân ta khởi xướng từ những năm 1970 của thế kỷ trước kết thúc vẻ vang. Bút ký”Vàng trắng sông Đà” của Trương Cộng Hoà nói về mấy thế hệ những người lao động đã làm nên kỳ tích vĩ đại này.
Toàn cảnh Công trình TĐ Lai Châu nhìn từ hạ lưu khi phát điện tổ máy số 1. |
Chúng tôi rời Hà Nội khi Đài báo một cơn gió mùa đông bắc đang tới gần. Trời sầm sì suốt chặng đường dài mấy trăm ki lô mét từ cao tốc Nội Bài đi Lào Cai, rồi Lào Cai đi Lai Châu và vào đến công trường. Gió lạnh. Cả đoàn không kịp nghỉ ngơi, giục nhau ra hiện trường những mong chụp được toàn cảnh công trình in bóng xuống mặt nước hạ lưu khi đèn bật sáng, tạo thành một “sông Đà đỏ”. Rất tiếc là phần chỉnh trang chiếu sáng chưa xong, nên chỉ có cảnh tấp nập trải nhựa mặt đường, đổ bê tông “biểu tượng” của Công trình. Cũng vừa tan ca chiều. Nhìn mãi đoàn người từ trong nhà máy đi ra, không thấy người quen nào. Đa số đã chuyển đi các công trường khác, để lại một công trình hùng vĩ chắn ngang mặt sông Đà.
Cũng lúc này, chúng tôi gặp kỹ sư Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La phụ trách xây dựng thuỷ điện Lai Châu đang đi kiểm tra công trường. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Phương tỏ ý phân trần: độ khoảng 10 ngày nữa, các anh lên sẽ thấy quang cảnh khác hẳn. Tôi nhận xét: xem ra tổ máy 1 Lai Châu đỡ “cập rập” hơn tổ 1 Sơn La? Phương tiếp lời: Vâng, đúng thế, khi mừng công phát điện tổ máy 1 Sơn La, công trường còn bề bộn lắm.
Toàn cảnh gian máy NMTĐ Lai Châu. |
“Thong thả” là ấn tượng của nhiều người khi đến với công trường xây dựng nhà máy thuỷ điện Lai Châu. Ai cũng nghĩ Lai Châu có 3 tổ máy, Sơn La có 6 tổ máy, hẳn công việc phải “nhàn hơn”. Không phải vậy .Thiết kế có thể giống nhau. Nhưng thiết kế chi tiết thì không công trình nào giống công trình nào. Địa chất địa hình ở Lai Châu phức tạp hơn nhiều. Công trình Sơn La xây dựng trên nền đá vôi. Còn ở Lai Châu là đá granit. Tầng phủ rất lớn. Cho nên khối lượng đào đắp ở Lai Châu xấp xỉ Sơn La và cường độ lao động cũng vậy. Mặt khác, khi thi công. công trình Sơn La không bị ảnh hưởng của hồ Hoà Bình. Nhưng ở Lai Châu toàn bộ công trường nằm trong lòng hồ Sơn La nên thời điểm khởi công cũng như các mốc thi công cống và kênh dẫn dòng, ngăn sông đợt 1 ngăn sông đợt 2 v.v. đều phải tính đến mực nước dâng của hồ Sơn La. Khu vực Mường Tè - Nậm Nhùn là nơi mùa khô rất ngắn, gần 3 tháng, lại là nơi có lượng mưa lớn nhất nước…Bởi thế việc hoàn thành, phát điện tổ máy 1 trước thời hạn 3 tháng là cả một kỳ tích.
“Mưu sự tại thiên – thành sự tại nhân”. Có vẻ như lời dạy của các bậc tiền nhân đúng ở công cuộc trị thuỷ sông Đà mà Đảng ta là người khởi xướng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Làm thuỷ điện Hoà Bình, công trình được các nhà khoa học Liên Xô tính toán đến từng chi tiết, lại còn cầm tay chỉ việc cho kỹ sư, công nhân Việt Nam, tạo ra hẳn một “công trường mẫu” về xây dựng thuỷ điện ở Việt Nam. Và điều quan trọng hơn, tạo ra một “thế hệ sông Đà” đầy hào khí Điện Biên năm xưa. Nhiều người đã trưởng thành từ “cái nôi sông Đà” như Bộ trưởng Phan Ngọc Tường, phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc, rồi đến Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc, các bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, Đinh La Thăng, Đinh Tiến Dũng, các thứ trưởng Cao Lại Quang, Bùi Phạm Khánh…
Điện từ Tổ máy số 1 NM TĐ Lai Châu đã hoà vào lưới điện quốc gia qua đường dây 500kV. |
“Sau Hoà Bình” là lúc chúng ta phát huy cao độ “trí tuệ Việt Nam”, bắt đầu từ tư vấn thiết kế. Tại lễ khánh thành Nhà máy thuỷ điện Sơn La, nhiều quan khách và đại biểu đến dự hẳn không chú ý nhiều lắm đến một người đàn ông tuổi ngoài 60, gương mặt khắc khổ, đứng lặng lẽ ngắm công trình. Đó chính là kỹ sư Lê Bá Nhung, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Đó là “kiến trúc sư chính” của hai công trình thuỷ điện Sơn La và Lai Châu. Cũng chính ông và tập thể thiết kế kiên trì bảo vệ việc phải xây dựng đập thuỷ điện Sơn La và Lai Châu bằng “công nghệ bê tông đầm lăn”, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hai nhà máy lơn nhất và đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Ông vừa về hưu và hôm đó đứng nhìn thành quả lao động của mình.
Tôi có cái may mắn được cùng ông đi khảo sát một loạt công trình thuỷ điện ở Tây Nguyên, bởi thế, khi trò chuyện cùng ông, mới biết tin về một người bạn nữa thời Tây Nguyên, kỹ sư Vũ Đức Thìn, Giám đốc đầu tiên của Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La, vừa phẫu thuật thành công khối u trong người. Vũ Đức Thìn là người tôi cũng thân quên. Tốt nghiệp đại học năm 1977, Thìn được phân về Đoàn thiết kế thuỷ điện Hoà Bình, năm 1978 làm ở Ban quản lý công trình (ban A) Hoà Bình, giúp việc cho Trưởng ban - phó Tiến sĩ Thái Phụng Nê. Ấn tượng đầu tiên: Thìn là người hoà nhã, nắm vững công việc.
Tháng 5 /1989, chúng tôi cùng đi khảo sát các bậc thang dự định xây dựng nhà máy thuỷ điện I-a Ly ở huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đường đi xuống vị trí nhà máy 2 vừa xa vừa gặp dốc cao. Kết thúc công việc, quay lại thị xã Pleiku, Thìn mới nói với tôi: cứ nghĩ là anh không theo nổi đoàn. Chúng tôi thân quý nhau từ đấy.
Tác giả gặp lai thợ hàn 7/7 Nguyễn Văn Quân, đội trưởng đội xây lắp chi nhánh Sông Đà 6.04. |
“Trái đất tròn”. Từ I-a Ly Thìn được điều về Công ty điện lực 3 (miền Trung) nắm mảng xây dựng thuỷ điện. Đang là phó Giám đốc Công ty điện lực 3, Vũ Đức Thìn được điều về phụ trách xây dựng thuỷ điện Sơn La (sau này gọi là Ban quản lý dự án)… Chúng tôi lại gặp nhau trên công trường. Thêm vài năm tuổi là thêm nhiều năm kinh nghiệm. Trao đổi về Sơn La, Thìn hóm hỉnh tiết lộ: tuy nói công trình xây dựng ở “tuyến Pa Vinh” nhưng thực chất là ở xã Ít-ong thuộc huyện Mường La tỉnh Sơn La.
Gặp nhau trong lễ khánh thành Sơn La, kỹ sư Lê Bá Nhung không nói hết. Nhưng tôi biết anh thầm cảm ơn Vũ Đức Thìn đã hết lòng ủng hộ phương án “đắp đập bẳng bê tông đầm lăn” của nhà thiết kế. Và chính ông Giám đốc Ban quản lý phải mày mò tìm cách sản xuất bằng được “tro bay” - một phụ gia không thể thiếu được đối với bê tông đầm lăn. Bây giờ thì việc đắp đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn đã là phổ biến ở nước ta. Chứ vào thời điểm chuẩn bị xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La, có nhiều đơn vị không ủng hộ. Lý do đơn giản nhất là vì họ có sẵn dây chuyền bê tông thường rồi. Nay theo công nghệ mới, phải mua sắm thiết bị mới, phải học thêm về kỹ thuật…
Chính cánh phóng viên chúng tôi cũng không hiểu tại sao lại chọn công nghệ nghe lạ hoắc này. Và Vũ Đức Thìn kiên nhẫn giải thích một cách đơn giản cho những kẻ ngoại đạo chúng tôi hiểu: đi nhiều công trường, các bạn có biết một mét khối bê tông mất bao nhiêu xi măng không? Khoảng 250 ki lô gam. Khối bê tông như vậy toả nhiệt rất lớn. Để khắc phục thì chỉ đổ được khối nhỏ khoảng 50 đến 100 mét khối, thời gian thi công phải kéo dài. Nay ta dùng bê tong đầm lăn, với phụ gia chính là “tro bay” lấy từ các nhà máy nhiệt điện. Một mét khối bê tông dùng hết 160ki lô gam tro bay, 60 ki lô gam xi măng. Giảm một lượng lớn xi măng mà cường độ bê tong vẫn đảm bảo tiêu chuẩn. Bê tông có phụ gia tro bay toả nhiệt thấp, cho phép đổ khối lớn , một đập thuỷ điện chỉ 3-4 khối lớn, lại có thể dùng hệ thống băng chuyền, thay thế hàng trăm ô tô, đổ từng lớp như khi trải thảm đường, vừa giảm được lượng cốp pha, vừa giảm được thời gian đổ, công trường đỡ chen chúc hơn. Sau này, nhiều cán bộ, kỹ sư đã từng làm thuỷ điện Hoà Bình, I-a Ly lên thăm công trường, ngỡ ngàng khi thấy công trường đắp đập sao mà ít người vậy? Chỉ toàn thấy máy gạt, máy đầm hối hả làm việc.
Cũng chính Vũ Đức Thìn ủng hộ việc Dương Khánh Toàn, lúc đó là Giám đốc Ban điều hành dự án thuỷ điện Sơn La, cho khẩn trương tiến hành kênh dẫn dòng trong lúc chưa có thiết kế chính thức, nhờ đó mà Lễ khởi công công trình diễn ra đồng thời với việc ngăn sông đợt 1, một sự kiện chưa từng có trong xây dựng thuỷ điện ở nước ta, rút ngắn tiến độ thi công công trình.
Sau này, tôi mới biết dịp đó, Vũ Đức Thìn theo dõi các buổi lễ ở thuỷ điện Sơn La trong phòng hậu phẫu. Lành bệnh trở về, Vũ Đức Thìn tiếp tục công việc của mình ở dự án Thuỷ điện Lai Châu trong sự chia vui của cả tập thể Ban quản lý và Ban điều hành dự án. Nhiều lãnh đạo Tổng công ty sông Đà nhận xét: làm việc với Vũ Đức Thìn thật dễ chịu. Vì Thìn “biết người biết việc”, bao giờ cũng đặt lợi ích của công việc lên trên hết.
Thủy điện Lai Châu về đêm. |
Thật khó có thể hình dung hết mối quan hệ gắn bó giữa A và B trên các công trường xây dựng thuỷ điện mà Tập đoàn điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và Tổng công ty sông Đà làm Tổng thầu xây dựng. Đến hôm nay, khi mà sư nghiệp trị thuỷ Sông Đà hoàn thành, có thể khẳng định công đầu thuộc về lớp người tiên phong của ngành điện, trong đó có Anh hùng Lao động-Tiến sĩ Thái Phụng Nê và kỹ sư Vũ Đức Thìn, thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về thuỷ điện Sơn La và Lai Châu. Và còn những người thợ sông Đà nữa. Những Nguyễn Khắc Kiên, Phan Đình Đại, Trần Thọ Chữ, Nguyễn Tiến Cầm, Lê Văn Quế, Trần Hoàng Vũ, Dương Khánh Toàn… những người anh hùng vô danh và hữu danh.
Nhịp điệu hối hả, sự khe khắt về kỹ thuật đòi hỏi những con người mới tuân thủ kỹ thuật. Trước hết là sự tự giác hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đã gặp nhiều công nhân đêm lạnh, một mình một việc ở một góc công trường cần mẫn làm việc. Đặc biệt là thợ lắp máy. Ai kiểm tra hết được độ chặt của từng con ốc lắp trong gian máy? Đó chính là lương tâm người thợ. Ở tầm quản lý, nhớ mãi Chỉ huy trưởng công trường lắp máy, kỹ sư Nguyễn Thế Trinh với giọng nói oang oang, nhiệt huyết, thẳng thắn “đến khó chịu” khi nói về những vấn đề kỹ thuật, về tiến độ cung cấp mặt bằng cho lắp máy, về các thiết bị cho tổ máy vận chuyển đến công trường?
Đầu tháng 12 vừa qua, lên công trường tôi mới biết Đinh Văn Đại, giám đốc chi nhánh Sông Đà 9.08 (Công ty Sông Đà 9) đã cùng anh em “xe máy” sang Lào. SĐà 9 là đơn vị chịu trách nhiệm chính đổ bê tông đầm lăn hai đập thuỷ điện Sơn La và Lai Châu. Nguyễn Hoàng Cường khi ở Sơn La trực tiếp làm Giám đốc Sông Đà 9.08 vừa làm vừa học, lấy bằng Thạc sĩ kỹ thuật. Bây giờ là Tổng giám đốc Công ty Sông Đà 9, chạy đôn chạy đáo lo công ăn việc làm cho đơn vị.
Đời làm phóng viên có nhiều sự tình cờ thú vị. Ở công trường đắp đập Sơn La mấy năm trước, tôi gặp thợ hàn Nguyễn Văn Quân (chi nhánh Sông Đà 6.04), hỏi chuyện anh và đưa vào phóng sự của mình. Nay công trường Lai Châu đã vãn, tôi gặp Quân trên công trường khi Quân đang cùng anh em hoàn thiện những phần việc cuối cùng làm đẹp công trình. Quân nhận ra tôi và ngỏ lời cảm ơn, cho biết vẫn giữ tấm hình hai anh em chụp chung, tôi gửi cho Quân từ Hà Nội. Nhớ mãi câu chuyện của Quân về chăm ông cụ thân sinh ốm nặng, thời gian nghỉ đã hết, công trường đang rất cần người, gạt nước mắt nhìn bố lần cuối mà lên Sơn La để rồi nghe tion bố mất giữa một ca trực.
Người thợ Sông Đà là vậy. Từ những kỹ sư trẻ mới ra trường cho đên những người thợ đã “Nam chinh Bắc chiến”. Kể sao cho hết những sự tích anh hùng của họ. Không huân chương, không danh hiệu. Những người thợ sông Đà đã để lại cho thế kỷ sau những tượng đài hùng vĩ trên dòng sông Đà.
Kết thúc Sơn La, trong một lần tâm sự, tôi hỏi Vũ Đức Thìn: Thìn có tiếc điều gì không?- “Tiếc nhất là trường hợp Nguyễn Kim Tới, giám đốc Ban điều hành tổng thầu dự án thuỷ điện Sơn La không được phong Anh hùng”. Chúng tôi cùng bồi hồi nhớ lại giờ phút Tới đứng trên thượng lưu đê quai cống dẫn dòng, chống cơn lũ đột xuất đổ về trước ngày khởi công công trình thuỷ điện Sơn La (tháng 12/2005). Chỉ cần Tới rời đi chỗ khác, anh em đang chống lũ dưới lòng kênh sẽ nản chí, đê vỡ, thiệt hại về người là rất lớn, và ngày khởi công sẽ phải chậm lại cả năm.
Nguyễn Kim Tới là kỹ sư đào hầm Hoà Bình, dưới quyền của kỹ sư Trần Thọ Chữ, Giám đốc Công ty công trình ngầm. Sau Hoà Bình, ngoài các đường hầm thuỷ điện ở Tây Nguyên, Tới đã chỉ huy thành công việc đào hầm đường bộ Hải Vân. Thành tích kể ra cũng nhiều, nhưng là người khiêm tốn, ít nói, Tới chỉ chăm chú vào công việc. Có lẽ niềm vui lớn nhất của Tới là có một cậu con trai nối nghiệp bố làm kỹ sư xây dựng.
Tôi lại hỏi thêm: Điều tâm niệm nhất trong công việc của Thìn là gì? Trầm ngâm giây lâu, Thìn kể: trong một làn bàn công chuyện lien quan đến tiền nong với Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng thuỷ điện Hoà Bình Phan Ngọc Tường, một thứ trưởng Bộ Điện và Than lỡ lời nói: Thôi thì tôi cho anh. Ông Phan Ngọc Tường đập bàn đứng dậy nói: Tiền này là tiền của Đảng của Dân, không phải của bố anh mẹ anh mà anh cho chúng tôi… Làm chủ đầu tư bao nhiêu năm, Vũ Đức Thìn lấy câu chuyện này để răn mình.
Sự nghiệp trị thuỷ sông Đà kết thúc. Dòng sông Đen đã làm ra vàng trắng. Nhưng điều đáng quý hơn là dòng chảy cuồn cuộn những con người anh hùng, những sự tích anh hùng đáng ghi vào bia đá sử vàng. Đâycũng là lúc xuất hiện “thế hệ thứ tư những người thợ sông Đà” dám bỏ nơi phồn hoa đô thị, mang tuổi trẻ của mình ra gánh vác chuyện nước nhà. Thế hệ Thác Bà, thế hệ Hoà Binh, thế hệ Tây Nguyên, thế hệ Sơn La-Lai Châu. Hành trang của những người thợ trẻ hôm nay thật phong phú. Bài ca sông Đà sẽ còn âm vang mãi .Và tôi cũng xin góp thêm vào bản hùng ca ấy những kỷ niệm của một thời “đi theo tiếng gọi sông Đà”./.