Thật tình cờ, chuyến bay cất cánh từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh, trước khi hạ cánh lại lượn một vòng ra phía Đông thành phố, giúp hành khách nhìn thấy cả một khu rừng ngập mặn (Rừng Sác) mênh mông với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt. Phía Bắc là khu lòng chảo Nhơn Trạch, phía Đông là đường 15, phía Tây là sông Soài rạp, phía Nam là biển Đông với huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh). Nổi bật nhất là tuyến đường cao tốc nối thành phố Hồ Chí Minh với Vũng Tàu, hai làn đường ô tô xuôi ngược và những cây cầu dài, cao ngất ngưởng…

Từ trên cao, không thể phân biệt rõ đâu là Khu di tích lịch sử quốc gia Chiến khu Rừng Sác cùng với Đài tưởng niệm Chiến sĩ đặc công Rừng Sác. Chỉ thấy lớp lớp những tàng cây đước, cây mắm, cây chà là… Tự dưng có điều gì thôi thúc chúng tôi bỏ lại nhiều dự định, để đến với Rừng Sác trong chuyến đi này.

vov_c1_nchz.jpg

Đường về Cần Giờ và Khu di tích lịch sử Rừng Sác

Với tôi (tác giả bài viết – PV), Rừng Sác thuộc huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) có nhiều kỷ niệm. Sau 30/4/1975, vào Sài Gòn tôi đã tìm xuống Nhà Bè, nơi đóng quân của Trung đoàn 88, sư đoàn 308 tìm người anh thứ hai là lính của Trung đoàn, đi Nam năm 1965. Nhà Bè năm ấy, ngày cũng như đêm, bao bọc lấy mình là những cơn gió ào ạt thổi vào từ biển vào, hương gió biển mằn mặn. Tôi thấy cả kho xăng Nhà Bè, nơi ghi dấu chiến công của bộ đội đặc công đêm 2 rạng ngày 3/12/1973… Nhưng tôi chỉ có thể đi đến đó vì không có đường bộ đến nơi chót cùng của thành phố về phía biển.

Những ngày cuối năm 1978 đầu 1979, tôi cùng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh ra trồng đước ở Lâm trường Duyên Hải. Ban ngày xắn quần lội trên những bãi bùn đặc quánh, cắm những quả đước xuống bùn. Ban đêm triều lên, không dám lội nước đi đâu vì sợ cá sấu rình rập, quây quần trên những lán nhỏ, sạp ghép bằng thân tràm, cùng nhau ăn vội những chén cơm với mắm ba khía, chia nhau từng ca nước ngọt, hát hò chờ ngày mai đến… “Đước sẽ mọc thành rừng gỗ cứng” là tên của bài phóng sự tôi viết về chuyến đi ấy. Thấm thoát đã mấy chục năm trôi qua, Rừng Sác xơ xác ngày nào nay đã trở thành những ốc đảo xanh tươi. Không biết những chiến sĩ Thanh niên xung phong ngày ấy giờ đang ở đâu?

Rừng Sác bây giờ

Vui nhất bây giờ là đường về Cần Giờ. Thành phố bao năm kiên trì mở thông đường bộ về tới thị trấn Cần Thạnh. Cầu nối cầu và hôm nay, cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, cây cầu cuối cùng trên tuyến đường đang được khẩn trương thi công. Con đường bốn làn xe chạy đi giữa thăm thẳm của những hàng dừa nước mà mỗi tàu lá như một lưỡi mác vút lên trời cao, của rừng mắm rừng đước, rừng tràm chạy dài tưởng như không bao giờ dứt.

Gần đến Cần Thạnh, thuộc địa phận xã Long Hoà, bên phải lề đường là tấm biển to chỉ đường vào khu di tích lịch sử quốc gia Rừng Sác. Bảo tàng chiến khu Rừng Sác nằm ngay bên phải lối vào, trưng bày những hình ảnh, kỷ vật của Đặc công Rừng Sác. Tôi ghi vội mấy dòng vắn tắt: 1963 căn cứ địa Rừng Sác được thành lập, tiếp nhận vũ khí từ Tàu không số. 1964, thành lập Phân đội chiến đấu - đoàn 125. Tháng 1/1966, thành lập Trung đoàn 43 đặc khu Rừng Sác, có nhiệm vụ chốt chặn đường vận tải thuỷ của địch trên sông Lòng Tàu, phá huỷ kho hàng, bến bãi hậu cần của địch. Tháng 6/1966, thành lập Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác (đơn vị sau này 2 lần được tuyên dương Anh hùng). Trong 9 năm đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, phá huỷ hàng trăm tàu xuồng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 1 vạn tên địch. Những trận Lôi Giang, Giàn Xây, Vàm Sát, Đồng Tròn, kho xăng Nhà Bè… làm cho kẻ thù khiếp sợ. Cũng trong thời gian này, kẻ địch không từ một thủ đoạn nào, dùng các loại phương tiện chiến tranh, kể cả chất độc hoá học, hòng tiêu diệt lực lượng của ta, nhưng đều thất bại.

Trên dòng kênh nhỏ, những chiếc xuồng máy hối hả đưa người vào khu tưởng niệm, rước người từ trong ra. Xuồng chạy qua những kênh rạch quanh co, có đoạn ánh nắng mặt trời gần trưa chỉ loáng thoáng lọt qua kẽ lá… Những tầng cây Mắm và Đước như vây bọc lấy du khách. Chốc chốc lại có những cánh cò trắng bay vụt lên chấp chới… Sau một khúc quanh, thấy hiện lên những căn lán trại lợp bằng lá dừa nước…

Đài tưởng niệm Liệt sĩ Rừng Sác nằm ở trung tâm khu căn cứ với khối tượng lớn, mô tả hai chiến sĩ đặc công trong tư thế xốc tới, xung quanh là những căn lán được phục dựng như lán chỉ huy, lán quân y, kho vũ khí, lán hậu cần… Sống động hơn cả là những bức tượng “sống”: tượng mô tả cuộc họp thông qua phương án đánh kho xăng Nhà Bè, luyện tập chiến đấu, chưng cất nước mặn lấy nước ngọt… Tất cả đều nằm dưới những tán rừng. Rừng bao bọc, chở che người chiến sĩ…

Tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Đặc công Rừng Sác

Thắp hương trước đài tưởng niệm, nghiêng mình kính cẩn trước anh linh liệt sĩ, lại nhớ đến câu chuyện  người hoạ sĩ phác thảo chân dung tượng đài, một đêm nằm mơ thấy hai chiến sĩ đặc công “cởi trần, ngực nở, bơi dưới nước như đi trên cạn”, ghé thăm. Cả hai xưng tên là Bao và Tiềm. Giật mình tỉnh dậy, đối chiếu với bức ảnh chụp hai chiến sĩ trước khi vào trận Nhà Bè, thấy giống như tạc. Tượng Chiến sĩ đặc công Rừng Sác dựng theo nguyên mẫu hai liệt sĩ, được đánh giá là phản ánh đúng hình tượng Đặc công Rừng Sác. Cũng kỳ lạ thay, đúng vào dịp chuẩn bị khởi công Đền thờ liệt sĩ, tháng 7/1999, người dân khu vực hàng rào kho xăng Nhà Bè tìm thấy hài cốt của hai liệt sĩ Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm. Các anh về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Nhà Bè trong sự thành kính đối với những con người đã trở thành huyền thoại.

Từng đoàn du khách, lần lượt dâng hương, mặc niệm trước tượng đài ghi lại chiến công của 860 anh hùng liệt sĩ đặc công Rừng Sác. Nhiều cháu bé cứ trầm trồ trước bức tượng chiến sĩ đặc công đánh nhau với cá sấu, ríu rít đòi người lớn đi cùng giải thích. Tôi để ý hầu hết mọi người đều tìm cách đến dâng hương liệt sĩ, trước khi toả ra tận hưởng một không gian sinh thái trong trẻo và hấp dẫn.

Cụm tượng "sống”: bàn phương án đánh kho xăng Nhà Bè

Trên chiếc xuồng đi cùng chúng tôi vào khu di tích còn có ba người khách. Một phụ nữ tóc đã hoa râm và hai cô gái trẻ. Nước mắt người phụ nữ lớn tuổi cứ chực trào ra khi thắp hương trước đài tưởng niện. Lân la hỏi chuyện, mới biết chồng bà cũng là chiến sĩ đặc công nước Tây Nam Bộ, tuổi Nhâm Thìn nhập ngũ 1971. Hai ông bà đều quê ở Hoà Bình. Sau chiến thắng, ông trở về nhưng đau ốm nhiều và mất vì bệnh cách đây gần 20 năm. Bà một mình nuôi hai con gái nhỏ trưởng thành. Theo con gái vào sống ở thành phố Hồ Chí Minh, bà xuống nơi này để thắp hương cho các đồng đội của chồng. Hai cô gái trẻ, một là con, một là cháu. Cô cháu Nguyễn Hồng Hợi kể: bố cô cũng là chiến sĩ đặc công, đã từng chiến đấu tại Campuchia.

Trong đoàn người hành hương về chiến khu Rừng Sác hôm nay, hẳn có không ít những gia đình như vậy. Nhưng đông đảo hơn là những gia đình, người già người trẻ vẫn muốn tiếp nối mạch ngầm của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm xả thân vì nghĩa lớn của những Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác năm xưa…

“Lòng Tàu, Tuy Hạ, Nhà Bè đó

Khói lửa ngút trời sử sách ghi”…/.