Cũng như nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, người đã khuất, dịp Tết đồng bào cũng làm lễ mời tổ tiên về vui xuân đón Tết với gia đình và cũng làm lễ hóa vàng (bà con gọi là Phúa chuống) để tiễn đưa tổ tiên về cõi âm.

nguoi_dao_do_uhpd.jpg
Người Dao đỏ Yên Bái. (Ảnh minh họa).

Bà con người Dao đỏ Yên Bái không ai còn nhớ tục Phúa chuống có từ bao giờ, chỉ biết là thế hệ này truyền cho thế hệ khác, trở thành một nét văn hoá tín ngưỡng đối với người Dao đỏ mỗi khi hết Tết.

Bà Phùng Thị Chài, thôn 4 Khe Vàn, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nói: “Từ bé tôi đã biết đến tục Phúa chuống của dân tộc mình. Không ai còn nhớ tục Phúa chuống có từ bao giờ, tôi thấy ông bà kể đây là phong tục xa xưa của người Dao và được duy trì từ bao đời nay. Sau khi Phúa chuống là hết Tết, các gia đình lại trồng trọt, chăn nuôi, với mong muốn một năm làm ăn phát đạt”.

Từ ngày mùng 3, mùng 4 Tết trở đi, các gia đình người Dao đỏ lại chuẩn bị Phúa chuống (hoá vàng) đưa tiễn tổ tiên về cõi âm, để bước vào một mùa sản xuất mới với mong muốn làm ăn thuận lợi. Đây là một nghi lễ được đồng bào Dao đỏ duy trì từ bao đời nay.

Đồng bào Dao đỏ quan niệm những ngày Tết, tổ tiên luôn ngự trị trên bàn thờ để vui xuân đón Tết, phù hộ độ trì cho gia đình, con cháu. Vì vậy những lễ vật thờ như bánh gù, bánh dày, kẹo mứt, hoa quả, mía phải được Phúa chuống thì mới được đem xuống.

Trước khi Phúa chuống, gia đình phải chọn giờ đẹp và mời thầy cúng đến giúp gia đình Phúa chuống với mục đích đưa tiễn tổ tiên về cõi âm. Để làm lễ Phúa chuống gia đình phải chuẩn bị con gà luộc, 2 tờ giấy dó, cắt thành hình vuông nhỏ bằng bàn tay rồi in hình hoa văn lên trên 2 mặt giấy (tzụ tzâyz) để làm tiền giấy, 5 chén nước, 5 chén rượu và 3 thẻ nhang. Lễ sau khi chuẩn bị xong được bày lên bàn thờ tổ tiên để cúng.

Sau khi cúng đưa tiễn tổ tiên về cõi âm và đốt xong tiền giấy, bà con coi như là hết Tết, lễ thờ được gia đình dọn xuống và làm mâm cơm để các thành viên trong gia đình cùng ngồi quây quần bên nhau bàn hướng làm ăn mới.  

Ở một số vùng, sau khi đốt vàng mã tiễn người đã khuất về với cõi âm xong, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm để cúng làng. Tại đình làng, thầy cúng có uy tín nhất được giao trách nhiệm làm lễ cúng cho từng nhà, sau đó là lễ cúng chung cho cả bản. Sau lễ cúng này, các nhà  lấy các dụng cụ phục vụ lao động sản xuất như: dao, lấy cuốc, cầy, bừa ra để mài cho thật sắc, tra lại cán cho chắc tay để lên nương, ra đồng với khí thế hăng say và hy vọng một năm mới đầy đủ, no ấm…./.