Với mong muốn bảo tồn và phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, các nghệ nhân của làng tranh này đang có những bước tiến đáng kể trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là một việc làm có ý nghĩa trong bối cảnh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được cấp bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và Bộ Văn hóa Thể thao, Du lịch đang xúc tiến làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, tìm hướng đi mới sao cho hài hòa với việc gìn giữ nghề truyền thống đang là bài toán đặt ra với làng nghề này.  

Anh Nguyễn Đăng Tâm, một nghệ nhân làng tranh Đông Hồ cho biết, trước và sau Tết Nguyên Đán đến nay, làng tranh Đông Hồ đón hàng nghìn lượt khách tham quan và mua tranh. Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ của gia đình anh được xây dựng năm 2006 cũng là điểm đặt chân chủ yếu của du khách để tìm hiểu về dòng tranh này. Hơn 5.000 m2 được xây theo hình thức nhà của đồng bằng Bắc Bộ bao gồm nhiều khu nhà sản xuất giấy, in tranh, giã điệp, trưng bày tranh bán... là toàn bộ quy mô của Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ. Do vậy, đến với nơi đây, người xem không chỉ được thưởng lãm tranh mà còn hoài niệm về quá khứ.

dsc_0783.jpg
Với mong muốn bảo tồn và phát huy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, các nghệ nhân của làng tranh này đang có những bước tiến đáng kể trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. 

“Xuống đây chúng tôi được nhớ lại hồi còn trẻ. Ngày Tết Nguyên Đán của dân tộc, bố mẹ vẫn đi ra chợ mua tranh về treo trên tường, nhất là tranh tố nữ, lợn, gà, đám cưới chuột… nhớ lại thời kì đó mình còn nghèo khổ. Xuống đây khi nhìn thấy cơ ngơi như thế này thì tôi rất phấn khởi” – ông Nguyễn Đức Thắng một khách thăm quan cho biết.

Ý tưởng kết nối du lịch giữa các điểm đến Đông Hồ - chùa Phật Tích - làng rối nước Đồng Ngư - gốm Luy Lâu đã được anh Nguyễn Đăng Tâm- người cai quản Trung tâm lưu giữ, bảo tồn dòng tranh dân gian Đông Hồ xây dựng, nhằm tạo ra một tour du lịch dài hơi cho khách tham quan. Ngay chính trung tâm này, anh Tâm sẽ cho xây dựng lại chợ tranh, thủy đình biểu diễn rối nước và một số điểm phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách.

“Trong năm nay tôi sẽ làm tiếp bước khôi phục lại chợ tranh, làm thêm lán bằng tre nứa, xe đạp cho khách nước ngoài để khi về đây họ có thể sử dụng xe đi thăm làng quê. Tiếp đó, sau năm 2013 tôi sẽ làm thêm thủy đình để tổ chức múa rối nước vì bản thân huyện Thuận Thành có phường múa rối Đồng Ngư” – Anh Nguyễn Đăng Tâm cho biết.

Tạo đầu ra cho sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau, điều đó là đúng với mong muốn tranh làng Đông Hồ hòa nhịp với cuộc sống.

Không chỉ chăm lo đến việc quảng bá, kết nối du lịch, các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ vừa cho ra đời một dòng tranh mới phù hợp hơn với thị hiếu của người chơi tranh. Đó là tranh tô màu trên chất liệu giấy gió bên cạnh hai dòng tranh khắc gỗ và tranh in nét vẽ thủy mặc truyền thống.

Vẫn là chất liệu màu tự nhiên: màu vàng của hoa hòe, màu đen từ than lá tre, màu đỏ từ thân, rễ cây vang, màu xanh từ lá chàm và trắng từ vỏ sò điệp nhưng dòng tranh mới lại được vẽ bằng tay và tô màu. Kích cỡ và hình nét của tranh cũng thay đổi với nhiều kiểu dáng để phù hợp với không gian hiện đại. Tuy nhiên, điều mà những nghệ nhân còn lại của làng tranh Đông Hồ băn khoăn là bấy lâu nay việc gìn giữ nghề truyền thống vẫn dựa trên sự đam mê, thiết tha với nghề chứ chưa có sự đầu tư một cách bài bản từ phía các cơ quan chức năng.

Giáo sư Nguyễn Văn Huy-thành viên Hội đồng Di sản Quốc gia khuyến cáo, nếu chỉ hai gia đình ông Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam khôi phục dòng tranh Đông Hồ mà không có thêm ứng dụng từ phía những nhà đồ họa, nhà thiết kế chuyên nghiệp thì sản phẩm này chưa thực sự đi vào đời sống. Nếu chúng ta trân trọng nó, tạo nên những sản phẩm mới trên nền tảng của tranh dân gian Đông Hồ thì sẽ đưa ra được sản phẩm phổ biến trên thị trường hiện nay.

Tạo đầu ra cho sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau, điều đó là đúng với mong muốn tranh làng Đông Hồ hòa nhịp với cuộc sống. Nhưng chỉ có điều, từ những lợi ích kinh tế mang lại, những người làm nghề phải có ý thức gìn giữ được nghề làm tranh theo cách truyền thống mà bấy lâu nay cha ông họ vẫn theo đuổi. Có như vậy, bài toán giữa việc bảo tồn và hướng đến lợi ích kinh tế mới hài hòa./.