Tối 7/5 tại tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm về Điện Biên Phủ với chủ đề “Ký ức củng cố lịch sử: Làm thế nào để hiểu trận chiến Điện Biên Phủ một cách nhân văn hơn?”. Tọa đàm với sự tham gia của Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện phó Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Tiến sĩ sử học Pháp Pierre Journoud và nhà sử học Canada Pierre Asselin cùng nhà báo Đào Thanh Huyền.

168a94b0a6-3-db22.jpeg
Trận Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam

60 năm sau khi chiến tranh Đông Dương kết thúc, ba nhà sử học Việt Nam, Pháp và Canada cùng một nhà báo Việt Nam đã ngồi lại trong buổi tọa đàm về Điện Biên Phủ, chiến dịch then chốt dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất. Họ là những người thuộc thế hệ ở giữa, những người trực tiếp cầm súng và những người sinh ra trong hòa bình. 4 người, 4 cách tiếp cận, 4 góc nhìn khác nhau đã giúp người nghe hiểu thêm về cuộc chiến tranh Đông Dương sau 60 năm.

Buổi tọa đàm không nhắc lại những điều đã biết về trận chiến Điện Biên Phủ như những gì chúng ta đã biết qua thông tin tuyên truyền, bằng những cụm từ như "Điện Biên Phủ đại thắng", "chấn động địa cầu"… mà tiếp cận chiến thắng Điện Biên Phủ dưới một góc nhìn nhân văn hơn. Nhà báo độc lập Đào Thanh Huyền, người đã cùng với 5 đồng nghiệp khác đã xuất bản “Chuyện những người làm nên lịch sử” - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009 (NXB Chính trị quốc gia, 2009) dẫn dắt buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề đó để góp phần làm rõ hơn mối quan hệ giữa lịch sử và hiện tại qua trận chiến Điện Biên Phủ.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm

Tiến sĩ sử học quân sự Nguyễn Mạnh Hà, nguyên phó viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam đã nghiên cứu nhiều năm về chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ trong buổi tọa đàm rằng Điện Biên Phủ là đề tài thú vị, còn rất nhiều khía cạnh chưa nghiên cứu hết. Trong đó, để hiểu sâu sắc sự thật cũng như  ý nghĩa của cuộc chiến cần phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa những tài liệu lịch sử, đồng thời qua lời kể của nhân chứng – những người trực tiếp tham gia chiến dịch và chứng kiến những thời khắc lịch sử. Từ lời kể của nhân chứng, cả phía Việt Nam và phía Pháp, người nghiên cứu sẽ đối chiếu với sử liệu xem có sự đồng nhất hay không để tìm ra một sự thật khách quan về trận Điện Biên Phủ.

Đối với người Việt Nam, Điện Biên Phủ là cuộc chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là mốc son chói lọi, đáng tự hào của lịch sử dân tộc. Nhưng ngược lại, đối với người Pháp, những cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch, ký ức về Điện Biên Phủ là những điều tồi tệ. Pierre Journoud, tiến sĩ sử học Pháp, người viết cuốn sách “Paroles de Dien Bien Phu” miêu tả chiến dịch Điện Biên Phủ qua lời kể của những nhân chứng Pháp cho biết, họ - những người được coi là ở phía bên kia chiến tuyến có những ký ức không đẹp về trận Điện Biên Phủ. Tiến sĩ Pierre Journoud  cho rằng, chúng ta cần tiếp cận sự thật khách quan để Việt Nam và Pháp xích lại gần nhau hơn.

Trong buổi tọa đàm, nhà sử học Canada Pierre Asselin đã nhiều năm sống và làm việc tại Mỹ, quan tâm đến giai đoạn hậu hiệp định Geneve bày tỏ quan điểm rằng: “Đôi khi Pháp, Mỹ giải thích chiến thắng của Việt Nam chống lại người Pháp và người Mỹ là thành quả của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhưng họ quên mất rằng người Việt Nam rất anh hùng, dũng cảm, nhưng họ cũng chịu nhiều tổn thất. Bản thân họ cũng đã trải qua nỗi trăn trở, lo sợ chứ không phải không. Tránh tình trạng chúng ta viết ra những cuốn sử mà trong đó, người Việt Nam trở thành những người máy dũng cảm không còn tính người. Bên cạnh đó, không nên đi theo một cách nhìn phiến diện mà nên tìm hiểu cái nhìn của người Pháp”./.