“Trong chiến dịch Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mỗi lần gặp có nhắc cha tôi, cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận chuẩn bị viết bài ca mừng chiến thắng. Đây vừa là lời nhắc nhở vừa là mệnh lệnh…”, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân chia sẻ về ca khúc nổi tiếng của cha mình.

Ca khúc "Giải phóng Điện Biên" suốt 60 năm nay đã trở thành "biểu tượng" bằng giai điệu của chiến thắng Điện Biên lịch sử. Kỷ niệm 60 năm Điện Biên Phủ, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân- con trai nhạc sỹ Đỗ Nhuận, để nghe anh kể lại những câu chuyện đằng sau ca khúc nổi tiếng này của cha mình.

PV: Bản hùng ca của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận hiện nay vẫn song hành hai cách gọi là “Chiến thắng Điện Biên” và “Giải phóng Điện Biên”, theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đâu mới là tên chính xác của ca khúc?

NS Đỗ Hồng Quân: Trong đầu tiên chép tay, cha tôi đặt tên ca khúc là Chiến thắng Điện Biên. Còn có thể ca khúc mở đầu bằng “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về…” nên người ta cứ nhớ đến cụm từ “Giải phóng Điện Biên”. Đặc biệt, thời điểm đó ca khúc được hát truyền khẩu nên cụm từ “Giải phóng Điện Biên” càng dễ thuộc. Phải đến năm 1957, Chiến thắng Điện Biên mới được thu âm lần đầu tiên tại địa chỉ 58 Quán Sứ với sự tham gia của dàn hợp xướng 100 người và dàn nhạc. Bản thu âm đó hiện nay, tôi vẫn còn giữ được.

hongquan1-88c1e.jpg
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

PV: Hoàn cảnh ra đời ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” được  cha anh, cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận kể lại như thế nào?

NS Đỗ Hồng Quân:Cha tôi sáng tác ca khúc này khi tôi còn chưa ra đời. Về sau, tôi có đọc hồi ký của ông và được biết Chiến thắng Điện Biên được sáng tác ngay trong đêm ngày 7/5/1954.

Trong cuốn hồi ký, cha tôi kể buổi chiều ngày 7/5, khi đoàn văn công đang cuốc đất, rải đá làm đường thì bỗng một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”

Khi đó, người cha tôi gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần đệm nhạc. Đỗ Nhuận thì không ôm ai cả, nhảy một mình, nhảy tít thò lò, và trong đầu phảng phất câu “Giải phóng Điện Biên”…Thế rồi, đêm hôm đó, trong túp lều, bên ánh đèn dầu le lói, tay ông búng chiếc violon, miệng cứ hát lẩm nhẩm, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Và Chiến thắng Điện Biên ra đời với cảm xúc tuôn trào: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”

Nếu như hai ca khúc trước đó, sáng tác trong cùng chiến dịch với Hành quân xa là hành khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, Trên đồi Him Lam với tính chất tưởng niệm, tri ân các chiến sỹ đã hi sinh thì đến Chiến thắng Điện Biên bao cảm xúc dồn nén được Đỗ Nhuận kết tụ bằng giai điệu hào sảng, ngợi ca.

PV: Khi nói về ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”, nhạc sỹ Hoàng Lương (Chi hội Nhạc sỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét: Đỗ Nhuận đã sáng tạo điệu thức dân ca, vận dụng nhuần nhuyễn sự mới lạ, mang sắc thái những điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc bộ. Anh có thể chia sẻ điều gì về nhận định này?

NS Đỗ Hồng Quân:Không chỉ riêng nhạc sỹ Hoàng Lương nhìn ra điều đó mà ngay thời điểm tại mặt trận, NSND-nhạc sỹ Hoàng Kiều đã nói với cha tôi rằng: ông lấy làn điệu chèo mà không dễ nhận ra.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận lên thăm con trai Đỗ Hồng Quân tại An Phú - Yên Dũng - Hà Bắc năm 1966.

Chiến thắng Điện Biên mở đầu bằng giai điệu kèn đồng dõng dạc, tự hào báo hiệu chiến thắng đến rồi. Nhưng đây còn là làn điệu chèo lấy từ điệu chèo cổ Sắp qua cầu.  Còn vì sao cha tôi lại sử dụng làn điệu chèo? Là vì Đỗ Nhuận là người con của Đồng bằng châu thổ sông Hồng, quê nội ở Hải Dương, từng sống ở Hải Phòng. Ông được tiếp xúc nhiều với chèo, xẩm, chầu văn… Bản thân ông còn biết thổi sáo, chơi đàn nguyệt. Những giai điệu âm nhạc dân tộc đã ngấm vào con người ông, đợi cảm xúc đến là bật ra…

PV:Cũng có ý kiến cho rằng, không phải đến ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” mà ngay từ hai ca khúc trước đó, “Hành quân xa” và “Trên đồi Him Lam”- nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã dự cảm về chiến thắng lịch sử?

NS Đỗ Hồng Quân:Đúng thế! “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ…”, Hành quân xa đến “Hôm nay thắng trận đầu tiên…Điện Biên chúng ta sẽ toàn thắng”, Trên đồi Him Lam- cha tôi đã dự cảm về  chiến thắng Điện Biên lịch sử. Và nếu như Trên đồi Him Lam ông dự cảm về chiến thắng thì đến Chiến thắng Điện Biên  ông dự cảm về tầm vóc chiến thắng lịch sử sẽ chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên được cả thế giới nhìn vào khi ông viết lời kết “Thế giới đang đón mừng/Chiến dịch đại thắng lợi góp sức xây dựng hòa bình.”

PV:Ca khúc ra đời trong khoảnh khắc tức thì của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận không chỉ mang tính nhạy bén, có giá trị nghệ thuật, thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ mà còn là “nhân chứng” trong nhiều khoảnh khắc ý nghĩa của lịch sử. Anh có thể kể lại những khoảnh khắc gắn liền với ca khúc lịch sử này?

NS Đỗ Hồng Quân: Ngay buổi sáng sau đêm thức trắng để sáng tác ca khúc Chiến thắng Điện Biên, cha tôi đã phổ biến bằng miệng cho các chiến sỹ. Bài hát truyền khẩu lan truyền nhanh chóng được các nhạc sỹ Lương Ngọc Trác, họa sỹ Mai Văn Hiến, ca sỹ Kim Ngọc, ca sỹ Trần Thị Ngà, nhạc sỹ Thanh Phúc… trực tiếp hát vang tại mặt trận. Cũng ngay trong buổi sáng 8/5/1954, tốp đơn vị pháo cao xạ thể hiện đầu tiên ca khúc này.

Sau đó, trong lễ mừng chiến thắng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức tại vạt cỏ trong khu rừng Mường Phăng; ca khúc Chiến thắng Điện Biên lại vang lên bởi tập thể văn công, chiến sỹ.

Cha con nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Đỗ Hồng Quân tại Moscow năm 1978.

Cha tôi kể lại, hình ảnh đoàn quân ta ngồi trên xe cam-nhông lấy được từ trận chiến với quân Pháp tại chiến dịch Điện Biên trên đường về tiếp quản Thủ đô- tất cả đoàn bộ đội, dân công bừng bừng khí thế hát vang ca khúc Chiến thắng Điện Biên khiến ông… rất sung sướng, rất hạnh phúc.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên, Đài tiếng nói Việt Nam đã lấy giai điệu ca khúc Chiến thắng Điện Biên làm nhạc hiệu mở đầu các buổi phát thanh vào lúc 5h sáng. Mỗi lần nghe nhạc hiệu là ông thấy gắn bó, thân thuộc.

PV: Có giai thoại cho rằng, cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận sáng tác “Chiến thắng Điện Biên” theo mệnh lệnh của tướng Giáp. Thực hư thế nào thưa anh?

NS Đỗ Hồng Quân: Trong chiến dịch Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mỗi lần gặp có nhắc cha tôi phải chuẩn bị viết bài ca mừng chiến thắng. Có thể coi đây vừa là lời nhắc nhở vừa là mệnh lệnh…

Tình cảm giữa cha tôi và Đại tướng rất gần gũi và trân trọng. Sau chiến dịch, mỗi khi đến ngày lễ kỷ niệm là cha tôi lại mặc quân phục đến bảo tàng, rồi đến thăm Đại tướng. Tướng Giáp nói, ông rất thích hai ca khúc của cha tôi, đó là Chiến thắng Điện Biên và Du kích Sông Thao.

Năm 2008, khi Hội nhạc sỹ Việt Nam đến mừng thọ Đại tướng, ông vẫn nhắc đến cha tôi, nhạc sỹ Đỗ Nhuận với ca khúc Chiến thắng Điện Biên, nhạc sỹ Hoàng Vân với Hò kéo pháo…

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, con trai cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận chia sẻ, anh từng nhiều lần chỉ huy dàn nhạc trình diễn bản giao hưởng "Điện Biên Phủ"

PV:Là người con của cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận, là một nhạc sỹ, anh đã kế thừa và phát huy sức sống mãnh liệt của ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”- tài sản nghệ thuật vô giá của cha mình như thế nào?

NS Đỗ Hồng Quân:Năm 1964, cha tôi đã soạn Chiến thắng Điện Biên thành bản giao hưởng 5 chương với tên gọi Điện Biên Phủ. Bản nhạc này được dàn nhạc Đức biểu diễn rất nhiều tại Đức và năm 2000 biểu diễn tại nhiều tỉnh thành Việt Nam.

Tại chương trình chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên diễn ra sắp tới tại TPHCM, tôi cũng được mời chỉ huy dàn nhạc giao hưởng với ca khúc này.

Về cá nhân tôi, năm 2013 tôi có viết bản giao hưởng Ký ức 46-54, trong đó có sử dụng giai điệu phần kết của ca khúc Chiến thắng Điện Biên Phủ của cho dàn nhạc giao hưởng lớn.

Có thể khẳng định, sau 60 năm chiến thắng Điện Biên, ca khúc Chiến thắng Điện Biên vẫn giữ nguyên giá trị, là sự kết tinh hào khí quân và dân ta, tình cảm vỡ òa để lại nhiều xúc động trong lòng công chúng.

PV: Xin cảm ơn nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân./.