Cúng ông Công ông Táo trở thành một ngày lễ đặc biệt trong năm và tục thả cá chép chầu Trời là nét đẹp văn hóa của người dân Việt. Vào ngày này, tại những hồ lớn của thủ đô Hà Nội như: Hồ Gươm, Hồ Bảy Mẫu, cầu Long Biên,  Cầu Thăng Long … đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân thả cá với ngụ ý “cá hóa long”, tức cá vượt vũ môn tiễn các Táo lên thiên đình.

Ngay từ sáng sớm, tại Hồ Gươm, rất nhiều gia đình đã kịp cúng lễ để mang cá ra hồ để thả. Theo chị Lê Lan Nhi, nhân viên vệ sinh môi trường khu vực Hồ Gươm cho biết: Từ sáng sớm nay 22/1( tức 22 Âm lịch), có nhiều người đến hồ thả cá. Trong số đó, rất ít người bỏ túi nilong vào thùng rác nếu không nhìn thấy hoặc có sự nhắc nhở của nhân viên vệ sinh.

cahep1.jpg
Thả cá ở Hồ Tây (Ảnh: Hà Phương)

Bạn Nguyễn Hồng Chi, sinh viên năm 2, Đại học Văn Hóa Hà Nội cho rằng: Mình cảm thấy không hài lòng đối với  hành động thả cá xuống hồ rồi thả luôn túi nilon. Đó thực sự là hành động phản cảm, thể hiện sự không đẹp trong văn hóa ứng xử với con người và đặc biệt đối với môi trường.

Tại các sông, ao hồ ở Thủ đô vào ngày cúng ông Công ông Táo không khó gì gặp cảnh người dân thả cá chầu trời. Tuy nhiên, mỗi người lại có những cách, những kiểu thả khác nhau.

Có người thắp hương khấn cầu những điều chúc an lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất. Tuy nhiên, cũng không ít người đứng từ trên thành cầu, bờ hồ mà “ném” xuống, nguyên cả cá trong túi nilon.

Hoặc cá được thả xuống nước còn túi nilon thì vương vãi trên bờ. Để rồi ngổn ngang xác túi nilon tự do bay theo gió, cái thì dạt xuống nước, cái thì “vất vưởng”  trên thành cầu, thậm chí bay lên tận…dây diện.

Người dân bỏ túi nilon một cách bừa bãi tại nơi thả cá là một thực trạng tồn tại nhiều năm gần đây. Hành động đó bị nhiều nhà văn hóa lên tiếng, phê phán và đó cũng là lời cảnh báo chung cho ý thức xấu cộng đồng.

Nhóm sinh viên tình nguyện đi nhặt rác xung quanh khu vực Bờ Hồ, đồng thời tuyên truyền người dân "Thả cá đừng thả túi nilon" vào ngày tiễn ông Táo về trời (Ảnh: Lan Nga).

Vào sáng nay 22/1, trên trục đường qua cầu Long Biên xuất hiện một nhóm sinh viên tình nguyện cầm tấm bảng có ghi dòng chữ: “Thả cá xin đừng thả túi nilon”. Đây là việc làm thể hiện tính kịp thời, có ý nghĩa nhắc nhở đối với hành vi ứng xử với con người xung quanh và đối với môi trường.

Mặc dù vậy, còn rất nhiều nơi, ý thức giữ gìn môi trường, cảnh quan chung của người còn bị buông lỏng. Tục thả cá chép chầu trời là phong tục truyền thống, trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt. Vì vậy, mỗi người dân hãy tự ý thức bản thân góp phần hoàn thiện, tô đẹp hơn cho văn hóa dân tộc. Phong tục đẹp thực sự cần hành vi đẹp./.