Sau vở “Oan tình ai thấu” để khán giả cười nhiều hơn thường lệ, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã trở lại với phong cách quen thuộc qua “Sông dài” (tác giả: Hà Triều - Hoa Phượng, chỉnh lý: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) - vở diễn hứa hẹn “lấy nước mắt” khán giả nhiều nhất mùa kịch Tết Giáp Ngọ này.

Nửa thế kỷ từ kịch đến cải lương và phim truyền hình

Được sáng tạo bởi “liên danh” Hà Triều - Hoa Phượng nổi tiếng của sân khấu cải lương thời vàng son nhưng xuất phát điểm của “Sông dài” lại là kịch bản thoại kịch với sự tham gia diễn xuất của minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Tuy nhiên, bản dựng cải lương sau đó trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga với những tên tuổi huyền thoại: Năm Châu, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Hữu Phước… lại thành công hơn hẳn và được người đời sau biết đến nhiều hơn.

song1.jpg
Mối tình của Lượm (Hồng Ánh) và Niễng (Quý Bình) trong “Sông dài” đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả. Ảnh: Ngân Anh

Sau năm 1975 và trước bản dựng của sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sông dài cũng đã nhiều lần trở lại với cả bản dựng kịch (của Nhà hát Kịch TP.HCM với các diễn viên Khánh Hoàng, Thương Tín…; Kịch IDECAF với Thành Lộc, Thanh Thủy…) cũng như cải lương (của Sân khấu Vàng - 2008, chương trình Bước chân hai thế hệ - 2010). Đặc biệt, năm 2013, “Sông dài” lại tiếp tục đến với khán giả màn ảnh nhỏ qua phiên bản phim truyền hình dài 39 tập có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Thanh Nam, diễn viên Quý Bình, Vân Trang… Điều gì tạo nên sức hút cho một kịch bản đã ra đời từ hơn nửa thế kỷ?

Tác phẩm của Hà Triều - Hoa Phượng luôn được đánh giá cao bởi tính hiện đại với những câu chuyện của muôn đời, có thể xảy ra ở bất kỳ xã hội, thời điểm nào. Rõ ràng, chuyện tình yêu đẹp của hai thân phận cùng khổ: Lượm - cô gái mù hồn nhiên, trong sáng và Niễng - chàng trai xấu xí, tật nguyền - chắc chắn dễ tin hơn hẳn những mô-típ “lọ lem - hoàng tử” đầy rẫy trên sàn diễn, màn ảnh hiện nay.

Kể chuyện tình yêu trắc trở nhưng “Sông dài” không có những cuộc tình tay ba, tay tư éo le mà tình yêu được thử thách bởi chính bản thân mỗi con người với tất cả sự ích kỷ, yếu đuối, niềm tin và thiện tâm của chính mình. Xây dựng được những nhân vật sống động và thực tế như chính đời thực, không sa đà vào tô hồng, lý tưởng hóa nhân vật, cũng là thế mạnh nổi bật của Hà Triều - Hoa Phượng.

Tuy không được xếp vào hàng những tác phẩm tiêu biểu nhất của Hà Triều - Hoa Phượng nhưng Sông dài vẫn thể hiện được phong cách nổi bật của liên danh này: lời thoại hiện đại, sắc sảo, giàu chất văn chương, chuyện kịch đơn giản nhưng kịch tính, cao trào đủ sức đem đến cho khán giả đủ trải nghiệm: hỉ, nộ, ái, ố, bi, ai, lạc.

Và phiên bản của 2014

Với Hoàng Thái Thanh, “Sông dài” lần này là phiên bản được bồi đắp và đào sâu hơn các tình tiết giúp vở trở nên hiện đại, sống động hơn so với bản dựng trên sân khấu IDECAF. Và nó cũng mang một diện mạo hoàn toàn khác bản dựng cải lương.Nhiều tình tiết được bổ sung nhằm làm rõ bối cảnh câu chuyện, hoàn cảnh các nhân vật cũng ít nhiều được điều chỉnh theo cái nhìn mới giúp vở dễ xem, dễ cảm hơn.

Với 5 cảnh diễn rất… dài và cảnh nào cũng đòi hỏi khả năng nhập vai cao, nuôi dưỡng và bùng nổ cảm xúc của người diễn viên khiến “Sông dài” trở thành một trong những vở diễn nặng tâm lý và lấy nhiều nước mắt khán giả nhất của sân khấu Hoàng Thái Thanh hiện nay. Một lần nữa, diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên lại là điểm cộng nổi bật của “thương hiệu Hoàng Thái Thanh”.

Hồng Ánh gần như “mê hoặc” khán giả khi vào vai cô gái quê mù lòa, thánh thiện - vốn phải cách khá xa tuổi thật của cô. Đưa vai Niễng từ màn ảnh nhỏ lên sân khấu, diễn xuất của Quý Bình đã có thêm chiều sâu và đầy cảm xúc. Còn khá trẻ nhưng Quang Thảo lại khá “chắc tay” trong những vai lão khi thể hiện thuyết phục hình ảnh ông lão chân quê Hai Tất hết mực thương con, trọng tình trọng nghĩa. Ái Như (như thường lệ) vẫn đầy tinh tế trong vai bà Hai Sa kiêu kỳ…

Cảnh kết là sự sáng tạo hoàn toàn mới và cũng được dụng công nhiều nhưng lại không thật hòa hợp với tổng thể vở diễn và cũng dễ tạo tâm lý so sánh cho những khán giả trót yêu “vở cải lương Sông dài”. Giá như vở có sự tiết chế hơn nữa ở một số cảnh diễn sẽ đẩy được tiết tấu vở diễn, cảm xúc của khán giả cũng không bị dàn trải. Hơn 3 giờ đồng hồ cho một vở kịch hiện đại phải chăng là quá dài?/.