Sáng 8/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2014. Trong báo cáo đã nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2014, trong công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công Lễ đón bằng vinh danh của UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, danh thắng Tràng An được ghi danh vào danh mục Di sản Thế giới; tổ chức các kì liên hoan, hội diễn như Liên hoan Múa Quốc tế 2014, Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc; tổ chức các kì triển lãm hướng về biển đảo Tổ Quốc; thực hiện hơn 48 nghìn buổi chiếu phim truyện, phim tài liệu phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc kết quả đạt được, công tác văn hóa thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2014 còn tồn tại một số bất cập. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã thành lập 79 đoàn thanh tra, kiểm tra hơn 200 cơ sở, đối với công tác trùng tu di tích, dịch vụ văn hóa, du lịch, chấn chỉnh việc dựng biển quảng cáo… nhưng trên địa bản cả nước vẫn xảy ra những vụ việc đáng buồn trong ứng xử với di tích như: đưa hiện vật lạ vào di tích, ứng xử với di tích một cách thô bạo, tình trạng dựng biển quảng cáo tràn lan gây mất mỹ quan vẫn chưa thể khắc phục, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thừa nhận một thực tế: "Khó khăn đối với thành phố Hà Nội là nơi có số lượng di sản lớn. Mặc dù nếu so ra thì có vẻ Hà Nội có rất nhiều tiền nhưng với hơn 5.000 di tích thì là ít, đầu tư không được nhiều. Đồng thời cũng xuất hiện một vấn đề: phân cấp quản lý là chủ trương đúng nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Một là vấn đề ngân sách, hai là vấn đề con người. Con người không đủ năng lực để quản lý".
Chưa đưa ra được giải pháp cụ thể cho thực tế này, ông Vũ Xuân Thành cho rằng, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, kiên quyết tăng cường xử lý, kể cả các nghệ sĩ và các nhà sản xuất phim.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực di sản, trùng tu di tích, ông Thành kiến nghị cần phải có quy định về cưỡng chế, tuyệt đối không được đưa hiện vật lạ, hiện vật cung tiến vào di tích. Công tác trùng tu di tích cũng nảy sinh bất cập khi dự án nào Sở làm chủ đầu tư thì làm tốt hơn, còn phân cấp cho huyện quản lý lại xảy ra nhiều trục trặc về quy trình.
Đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc dùng quốc xẻng để trùng tu đã khiến dự luận phản ứng mạnh mẽ. - Ảnh: Hà Phương.
"Ban quản lý dự án tôn tạo trùng tu di tích ở Nam Định là một hiện tượng. Khi có Ban quản lý di tích (trước đây trực thuộc Sở) gần như vai trò của Sở trong công tác chuyên môn cũng gặp nhiều khó khăn, đó là chưa nói đến chuyện tài chính cũng vậy. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Cục Di sản và Vụ Kế hoạch tài chính để kiểm tra công tác trùng tu, tôn tạo tại khu vực đền Trần. Những vấn đề khúc mắc trong quản lý giữa Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch với địa phương sẽ được chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ. Bộ sẽ làm tiếp với Ủy ban nhân dân tỉnh" - ông Vũ Xuân Thành nêu rõ.Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ưu tiên việc tuyên truyền, quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 9 (khóa 11) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam; tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo./.