Trong khi các di sản thế giới ở Việt Nam đang loay hoay tìm mô hình quản lý hiệu quả, các quy định, quy chế quản lý chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bảo tồn và phát huy di sản, thì Huế và Hội An nổi lên như những điểm sáng trong cách thức quản lý và vận hành hoạt động của các di sản. Điểm chung của hai mô hình này là đều nỗ lực tìm cách đưa di sản đến gần với người dân.
Hội An được đánh giá là một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch. Để làm được điều này, Hội An đã luôn ý thức đặt người dân vào vị trí làm chủ di sản, gắn chặt quyền lợi, lợi ích của họ đối với di sản. Qua đó, trách nhiệm với di sản được nâng cao trong toàn cộng đồng.
Hội An là nơi thành công khi ý thức được trách nhiệm làm chủ di sản của người dân |
Với những biện pháp cụ thể và thiết thực, Hội An đã kịp thời tu bổ nhiều công trình xuống cấp, giữ được những yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống. Cụ thể, trong những năm qua, đã có gần 100 công trình kiến trúc cổ được gia cố, trùng tu. Nhiều công trình như đình, chùa, lăng miếu… sau khi tu bổ xong, đã được trả về với cộng đồng theo chức năng phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân địa phương. Đến nay, di sản văn hóa thế giới ở Hội An đã trở thành thương hiệu hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Năm 2013, Hội An đã thu hút 1,5 triệu khách đến và đem lại nguồn thu hơn 65 tỷ đồng.
Nếu như Hội An là một di sản sống, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thì di sản Cố đô Huế lại có đặc thù khác. Không ngạc nhiên khi tại Huế, có những người dân dù sống lâu năm ở đây nhưng chưa vào đại nội lần nào. Điều này được lý giải bởi di sản Cố đô Huế xưa với những lăng tẩm, cung điện vốn thuộc về vua chúa không gần gũi với đời sống của người dân.
Với đặc thù lịch sử khác, việc bảo tồn những di sản của Huế lại được tuyên truyền tới người dân theo một cách khác |
Ông Phan Thanh Hải cho biết: “Chúng tôi thực hiện một chính sách đối với tất cả giáo viên và các em học sinh từ cấp 3 trở xuống là người Thừa Thiên Huế, được miễn phí vé 100%, có thể ra vào di tích bất cứ lúc nào. Hai là tất cả sinh viên, giáo viên của các trường đại học, có khoảng hơn 2 vạn sinh viên thì chúng tôi đang áp dụng quy chế và đang tuyên truyền là mua vé một lần và được đi trong 2 năm. Bằng cách đó, để khuyến khích thế hệ trẻ vào được nhiều hơn, như vậy mới xóa được khoảng cách giữa con người với di sản được, mới thay đổi cách nhìn”.
Riêng năm 2013, số tiền miễn vé tham quan của Trung tâm này đã lên đến con số 18 tỷ đồng. Với những người quản lý di sản Cố đô Huế, đây không phải là sự thất thu mà đổi lại họ được rất nhiều từ việc kéo người dân vào gần di sản. Bên cạnh đó, nhận thức sâu sắc việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phải gắn với lợi ích cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế đã mạnh dạn trong các hoạt động kích cầu du lịch tạo cơ hội để người dân phát triển các ngành nghề dịch vụ, đem lại lợi nhuận cho chính người dân nơi đây.
Với nỗ lực trong công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh di sản Huế, năm 2013, Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế đã đón và phục vụ gần 2 triệu lượt khách. Hoạt động của Trung tâm đã được địa phương đánh giá rất cao bởi tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định, từ hiệu quả thực tế ở Huế và Hội An cho thấy nhiều biện pháp linh hoạt đã được thực hiện để quản lý, bảo tồn di tích; nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo, kinh doanh trong khu phố cổ, môi trường… đã được ban hành. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn di tích ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là ở Hội An, đã thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo tồn di tích. Cùng với nguồn vốn của Nhà nước, người dân địa phương đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để tu sửa các di tích thuộc sở hữu tư nhân.
Hội An đã trở thành điểm du lịch văn hóa thành công với việc bảo tồn di sản gắn liền cuộc sống người dân |
Có thể thấy, công tác quản lý di sản ở Huế và Hội An là những mô hình tiêu biểu bám sát vào thực tiễn, gắn trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản với lợi ích cộng đồng nên đã thu được những kết quả. Đây cũng là mô hình để các địa phương có di sản có thể học hỏi, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Tất nhiên, không thể áp đặt cứng nhắc cho tất cả các di sản bởi mỗi di sản có một đặc điểm riêng nhưng chắc chắn rằng, di sản sống được thì phải gắn với cuộc sống và sự quan tâm của người dân./.