Những ngày qua, công chúng và giới nghệ thuật khá “sốc” và bức xúc khi thấy một số ca khúc có ca từ tục tĩu, khiêu dâm cũng như bộ phim 18+ “Căn hộ 69” được phát tán ngang nhiên trên các trang nghe nhạc trực tuyến và YouTube. Sau khi báo điện tử VOV và một số báo chí khác phản ánh, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã nhanh chóng vào cuộc và ra quyết định xử phạt 7 trang mạng đã đăng tải các ca khúc tục tĩu, Cục Điện ảnh đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét xử lý.
Tuy nhiên, sự việc này cho thấy đang có một “lỗ hổng” lớn trong việc quản lý việc phát hành các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh không qua kiểm duyệt trên mạng. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn anh Nguyễn Ngọc Long, chuyên gia truyền thông xã hội, người từng có thời gian quản lý một trang nghe nhạc trực tuyến về vấn đề này.
Anh Nguyễn Ngọc Long - chuyên gia truyền thông xã hội
PV:Theo anh, để xảy ra việc phát tán một số ca khúc có ca từ tục tĩu, khiêu dâm trên 7 trang mạng vừa qua là lỗi do đâu?
Nguyễn Ngọc Long: Tôi nghĩ việc tồn tại một ca khúc tục tĩu trên các trang nghe nhạc online thì lỗi trước tiến thuộc về những người sáng tác và thể hiện. Còn để nó tồn tại trong một thời gian quá dài, tới mức đạt hàng trăm ngàn lượt nghe thì lỗi thuộc về chủ quản của các trang mạng đó, cũng như các cơ quan quản lý.
PV: Khi trao đổi với chúng tôi, người quản lý của một trang mạng nói rằng, họ chỉ quản lý từ khóa của tác phẩm được đưa lên, nếu nó không thuộc trường “từ khóa” bị cấm thì thành viên được đưa lên thoải mái. Một người quản lý trang mạng khác thì than rằng việc kiểm soát nội dung những gì được thành viên đưa lên rất khó. Là người từng quản lý một trang nhạc số, anh nghĩ sao về những ý kiến này?
Nguyễn Ngọc Long: Họ quản lý cái gì là thuộc về chuyên môn của họ, tôi không bình luận. Miễn sao đừng vi phạm các vấn đề luật pháp cũng như văn hoá thì dịch vụ của họ sẽ an toàn.
Ở mức chủ động, họ có thể áp dụng các biện pháp tiền kiểm và hậu kiểm. Tiền kiểm tức là nghe thử trước, nếu thấy bài hát không có "vấn đề" thì đăng lên. Hậu kiểm tức là đăng lên trước xong rồi từ từ nghe sau, thấy bài nào có "vấn đề" thì hạ xuống.
Họ cũng có thể áp dụng cơ chế kiểm duyệt bằng máy. Ví dụ như tự động phát hiện các từ khoá nhạy cảm. Với tác phẩm âm nhạc thì có thể phát hiện một bài nhạc cấm bằng phương pháp phân tích "sóng âm" giống như YouTube. Tôi thấy trang Zing MP3 có hiển thị “sóng âm” của từng bài hát, có thể họ đang ở tiến trình áp dụng công nghệ nhận dạng này (vì nó cũng không đơn giản).
Tiếp theo là sử dụng cơ chế kiểm tra ngẫu nhiên. Tức là "nhặt ra" khoảng chừng 1000 bài hát có lượt nghe cao nhất xong rồi kiểm tra ngẫu nhiên tầm 200 bài trong đó để phát hiện sai phạm.
Cuối cùng là cơ chế báo cáo cộng đồng và siết chặt điều khoản người dùng. Ở mỗi bài hát cần có công cụ để người sử dụng báo cáo nội dung không phù hợp. Nếu ban quản trị kiểm tra thấy nội dung là không phù hợp thật thì phải tiến hành xử phạt thật nặng tài khoản để xảy ra vi phạm. Ví dụ như xoá tài khoản, cảnh báo về mặt pháp lý và công khai danh tính. YouTube xử lý việc này vô cùng triệt để khiến người upload phải "chùn tay".
Nếu nói rằng một trang mạng có hàng triệu người dùng cùng upload nội dung thì kiểm soát triệt để 100% là điều gần như không thể. Nhưng vẫn có cơ chế để kiểm soát và thanh lọc ở mức cao nhất có thể. Vấn đề là họ đã làm hay chưa và có muốn làm hay không? Nếu không áp dụng đầy đủ các biện pháp này thì việc gỡ bài như hiện nay là vô giá trị. Vì gỡ bài này thì người dùng lại upload bài khác lên ngay!
PV: Thanh tra Bộ VHTT&DL đã nhanh chóng vào cuộc và ra quyết định xử phạt. Nhưng mức phạt 8 triệu đồng/trang bị cho là quá nhẹ, dù đúng theo luật nhưng chưa đủ sức răn đe. Theo anh, biện pháp để các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn những trang nghe nhạc trực tuyến này là gì?
Nguyễn Ngọc Long: Chỉ cần áp dụng chế tài cho người dùng vi phạm. Thay vì để chủ quản các trang nhạc này xoá bài hát thì nên yêu cầu họ giải trình rõ bài hát do người dùng upload thì là người dùng nào, IP ở đâu, lịch sử truy cập ra sao. Thực ra, nếu muốn truy đến cùng thông tin của người đã đăng tải bài hát vi phạm thì không hề khó khi các trang mạng có ý muốn hợp tác.
PV: Gần đây, bộ phim sitcom 18+ “Căn hộ 69” có một số cảnh khá nhạy cảm, dung tục được phát hành qua YouTube. Vụ việc này xảy ra, các cơ quan quản lý cũng khá bất ngờ. Vì từ trước tới nay, một bộ phim phát hành đều phải qua Hội đồng duyệt phim quốc gia, nhưng giờ đây, những người sản xuất phim đã lách luật, phát hành công khai mà vẫn thu lợi nhuận thông qua quảng cáo và lượt xem trên YouTube. Không lẽ, cơ quan quản lý bó tay trong trường hợp này? Anh bình luận gì về sự việc này?
Nguyễn Ngọc Long:Nếu họ sản xuất và truyền bá một văn hoá phẩm đồi truỵ thì đương nhiên họ có thể bị truy cứu hình sự. Còn nếu chỉ là "nhạy cảm" thì họ vi phạm hành chính đến đâu sẽ phải chịu xử phạt đến đấy. Còn chế tài đó có đủ sức răn đe hay không thì là việc của những nhà làm luật.
Trong thực tế, YouTube họ quản lý khá chặt các vấn đề liên quan đến hình ảnh nhạy cảm, khiêu dâm, bạo lực, xâm hại... Nhưng rõ ràng vẫn có độ chênh trong cách hiểu và định nghĩa những khái niệm đó của YouTube (văn hoá Mỹ) và các phạm trù văn hoá bản địa.
Nếu muốn "ngăn chặn" đến tận cùng thì chỉ có một cách duy nhất là đề nghị đơn vị chủ quản YouTube hợp tác với các cơ quan chức năng để họ áp dụng những điều khoản người dùng dành riêng cho quốc gia và vùng lãnh thổ. Tôi cho rằng việc này là khó, nhưng không phải không làm được.
PV: Việc lan truyền các văn hóa phẩm thiếu lành mạnh trên mạng sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Liệu có cực đoan không khi nói rằng: Mỗi bậc phụ huynh phải cố gắng kiểm soát con em mình thật tốt khi vào mạng, và mỗi cư dân mạng phải tỉnh táo trước những thứ “rác rưởi” trên mạng trước khi chờ sự quyết liệt của cơ quản quản lý, thưa anh?
Nguyễn Ngọc Long: Internet đầy vàng nhưng cũng không hiếm rác. Người trẻ khi tiếp cận với nguồn tài nguyên này sẽ gặp những nguy cơ tiềm ẩn nhất định. Thật khó để ngăn chặn hay định hướng việc truy cập của mỗi người. Nhất là, những cái gì chúng ta quan niệm là "rác", là "dung tục", là "bẩn thỉu", là "bạo lực", là "cần ngăn cấm" thì lại là những thứ thuộc về phạm trù rất bản năng nên càng cấm, người ta càng tò mò và truy cập.
Tôi nghĩ, chỉ có cách trang bị cho các bạn trẻ những kiến thức và kỹ năng đầy đủ nhất, song song với việc định hướng và cung cấp thông tin đầy đủ nhất để họ tự ra quyết định. Bên cạnh việc nỗ lực ngăn chặn các mối nguy hại trên Internet từ phía các cơ quan chức năng và những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.
PV:Xin cảm ơn anh./.