Nhân dịp xuất bản 3 cuốn sách đầu tiên về học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Nhà xuất bản Tri thức tổ chức buổi hội thảo ra mắt tập sách đầu tiên (trong bộ 14 tập sắp xuất bản) gồm: Nguyễn Văn Vĩnh là ai?, hai cuốn sách mang tên “Lời Người Mandi hiện đại” với bản in tiếng Việt và tiếng Pháp với mong muốn đem lại sự hiểu biết nhất định cho những ai quan tâm tới con người và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, đến vai trò lịch sử, xã hội và chính trị của ông trong quá khứ. Chương trình sẽ diễn ra lúc 14h ngày 4/10 tại  53 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời là người chủ biên bộ sách cho biết: Cuốn sách “Nguyễn Văn Vĩnh là ai?”  bao gồm những bài viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp (đã được chuyển ngữ), của những người đương thời đánh giá về con người và sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh.

657654.jpg
Hai cuốn sách về Nguyễn Văn Vĩnh mới ra mắt độc giả - Ảnh: Vũ Tuân

Có thể nói: thế kỷ 20 đã để lại một sự thay đổi ấn tượng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, đó là việc, người Việt Nam đã chính thức sử dụng thứ chữ viết riêng cho mình: Chữ Quốc Ngữ. Tạo dựng được sự thay đổi nói trên là công lao của nhiều thế hệ người Việt, trong đó phải kể đến những học giả như: Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Kí, Nguyễn Văn Vĩnh…

Cuốn sách thứ 2 “Lời Người Man di hiện đại” với phần 1 “Phong tục và thiết chế của người An Nam” được in bằng hai bản Tiếng Việt và Tiếng Pháp. Trong phần này, tác giả đưa ra 33 bài viết bằng tiếng Pháp của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh có chuyên đề về một số tập quán, lối sống sinh hoạt cùng với cấu trúc hành chính, phân bố địa giới, địa hình, nhân sự theo những nguyên tắc truyền thống trong hệ thống quyền lực liên quan đến việc phân vai, chức sắc, phẩm hàm trong một làng quê ở đồng bằng Bắc bộ.

Ngoài những phần trình bày dưới nhãn quan của người trong cuộc, ông còn phê phán một số tác động tiêu cực, hậu quả của chính sách cai trị do thực dân Pháp đã áp đặt mà không xem xét các tính chất đặc trưng trong phong tục và thói quen sinh hoạt của người nông dân Việt Nam.

Nguyễn Văn Vĩnh đã nhắc nhở và kiến nghị thẳng thắn với các tầng lớp cai trị, khuyến cáo họ cần phải có nhận thức thấu đáo về những tập tục cổ truyền, những hành xử mang tính tập quán trong sinh hoạt xã hội của người nông dân để tôn trọng lịch sử và không làm mất đi cái căn cốt của phong tục và truyền thống của một vùng miền, khi áp dụng những chính sách cai trị hay cải cách đối với những vùng nông thôn…/.