Những ồn ào xung quanh Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mới đây khiến dư luận và giới chuyên môn cho rằng đã đến lúc cần có những thay đổi trong cơ chế xét tặng.

thuan_yen_thanh_huong_ovna.jpg
Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ, nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương (lúc còn trẻ). Tác giả "Màu hoa đỏ" suýt trượt giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 chỉ vì thiếu giấy chứng nhận giải thưởng.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Thủ tướng về những bất cập trong lần đầu thực hiện xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Sau khi nghe ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ VH-TT&DL nghiên cứu sửa đổi Nghị định về xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, trong đó bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các danh hiệu này báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt trước khi trình Chủ tịch nước quyết định.

Trước đó, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước năm 2016 trở thành một chủ đề tranh cãi trong giới văn học nghệ thuật, mỹ thuật, sân khấu khi những tên tuổi có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học, nghệ thuật nước nhà lại bị trượt giải một cách khó hiểu. Hầu hết các tác giả bị trượt là đều do vướng tiêu chí giải thưởng.

Nhà thơ Xuân Quỳnh, tác giả của hàng loạt những tuyệt phẩm thơ tình nổi tiểng bị gạt ra khỏi danh sách giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu vì được cho là không đù giải thưởng. Thực chất của vấn đề này là giấy chứng nhận giải thưởng của tác giả bị thất lạc, trong khi giấy xin xác nhận giải thưởng lại bị thiếu trong hồ sơ. Tuy nhiên, Hội đồng cấp Nhà nước vẫn coi việc thiếu giấy xác nhân giải thưởng là không đủ điều kiện. Kết quả là hồ sơ của tác giả Xuân Quỳnh bị loại.

Nhạc sĩ Thuận Yến, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên… cũng ở trong tình cảnh tương tự.

Ngay sau khi báo chí phản ánh những thông tin này, giới chuyên môn lẫn công chúng đều lên tiếng bức xúc.

Bàn về vấn đề này, họa sỹ Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, tiêu chí giải thưởng nên là tiêu chí phụ. 

Họa sĩ Khánh Chương. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: TL

“Các giải thưởng không phản ánh hết bản chất của một tác phẩm, chưa chắc đã là đỉnh cao của tác phẩm đó. Không nên lấy một giải thưởng nào đưa lên thành số 1. Vì chúng ta xét là xét tác phẩm, còn giải thưởng chỉ có tính tương đối. Có những giải thưởng tập trung nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng cũng có giải thưởng tác phẩm tham dự lại đều đều”.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lấy ví dụ về việc mới đây, Hội đồng chuyên ngành cơ sở của đơn vị này đồng loạt không bỏ phiếu xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho một tác giả có tác phẩm từng đoạt giải nhất triển lãm toàn quốc. Lý do là sau này người ta phát hiện ra tác phẩm hội họa này giống một bức ảnh chụp. Thời đó, vấn đề bản quyền chưa được chú trọng nên BTC giữ nguyên giải thưởng. Còn so với mặt bằng của nhiều cuộc thi bây giờ thì giải thưởng đó không còn phù hợp. Nếu tiếp tục công nhận giải thưởng đó thì sẽ thiếu công bằng với nhiều tác giả khác.

Một vấn đề cần phải đặt ra nữa, đó là không thể đòi hỏi giải thưởng đối với những tác giả trưởng thành và cống hiến trong các cuộc kháng chiến.

Mười năm sau hòa bình, cả nước vẫn không có hoạt động văn hóa, nghệ thuật nào. Mãi đến năm 1993, các giải thưởng và cuộc thi trong lĩnh vực này mới bắt đầu manh nha phục hồi.

Những tác giả như họa sỹ Đỗ Kỷ, ông vẽ chân dung của những người chiến sỹ cách mạng trong nhà tù. Vẽ bằng máu và nước mắt. Vì thế không thể đòi hỏi giải thưởng được. Loại hình nghệ thuật đó cũng không ai chấm giải thưởng cả. Nhưng những bức ký họa với hoàn cảnh ra đời đặc biệt có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Lĩnh vực cũng có nhiều đặc thù, ví dụ như tranh cổ động, từ xưa không ai xem xét hay chấm giải gì mà chỉ mặc định xem đó là hoạt động cống hiến của họa sĩ.

Thể loại tượng đài cũng khó có thể tham gia các cuộc thi hay triển lãm vì công tác vận chuyển rất phức tạp.

Tương tự thể loại tranh truyện cũng chưa từng được xem xét giải thưởng trước đây.

Họa sỹ Khánh Chương cho hay, quy chế xét tặng giải thưởng hiện nay vô tình biến tiêu chí giải thưởng trở nên quan trọng nhất. Vì tất cả các tác giả bị trượt đều vướng vào tiêu chí này.

Có những giải thưởng quốc tế tưởng chừng rất danh giá nhưng thực chất chỉ là do một cá nhân đứng ra tổ chức và số lượng người tham gia rất hạn chế. Tuy nhiên, khi làm giấy chứng nhận, người ta cũng mặc định đó là giải thưởng quốc tế và trở thành một bằng chứng để đáp ứng cho tiêu chí giải thưởng.

Có tác phẩm ở cuộc thi này bị loại nhưng lại đoạt giải ở một cuộc thi khác. Giải thưởng đó được công nhận và đưa vào hồ sơ xét tặng.

“Đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, cái tôi của người sáng tạo rất lớn, họ ngại nhất là việc đi xin giải thưởng. Triển lãm 5 năm mới tổ chức một lần thì lấy đâu ra nhiều tác phẩm đoạt giải thế. Có nhiều tác giả khi được mởi lời gợi ý làm hồ sơ, họ từ chối với lý do là “nhường cho các đồng nghiệp khác”. Theo tôi, nếu cảm thấy họ xứng đáng thì các cơ quan đơn vị của Nhà nước chủ động phong tặng là hợp lý nhất. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: Đừng chờ người ta đi xin, thấy xứng đáng thì tặng hay tìm đến người ta để tặng. Nhất lại là nghệ sĩ”. Tôi cho là rất đúng”, họa sỹ Khánh Chương cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tiêu chí về “Tác dụng lâu dài trong đời sống” cũng cần được áp dụng một cách linh hoạt. Với những tác phẩm nói về tình yêu chẳng hạn, nói tác phẩm đó có đóng góp gì cho sự nghiệp xây dựng đất nước thì rất khó. Nhưng nó lại có ý nghĩa và góp phần làm rạng danh nền văn thơ nghệ thuật. Cho nên khái niệm về đóng góp xây dựng đất nước cần phải nới rộng biên độ./.