“Hải nữ” trong truyền thuyết của đảo Jeju
Không rõ là những “hải nữ” đã hoạt động ở đảo Jeju của Hàn Quốc từ bao giờ, nhưng trong sử ký của thời Goryeo (Thế kỷ X-XIV), người Hàn Quốc xưa đã đề cập tới nữ thợ lặn. Trong thời Joseon (Thế kỷ XIV-XIX), người đàn ông cũng đã làm công việc của nữ thợ lặn, họ lặn xuống biển mò bào ngư và hái rong biển.
Những ngư nữ của đảo Jeju |
Về sau, khi bị đánh thuế nặng về việc thu hoạch hải sản, số tiền những người đàn ông kiếm được trở nên ít ỏi hơn. Việc phụ nữ theo nghề được miễn thuế là một kẽ hở. Cũng có thể bởi đảo Jeju là nơi có nhiều phụ nữ hơn đàn ông, nên một cách tự nhiên, công việc lặn biển mò tìm hải sản do người phụ nữ đảm trách.
Khi phụ nữ tiếp quản nghề lặn biển, họ hoàn toàn thích nghi với công việc này bởi cơ thể giữ nhiệt tốt và mềm dẻo hơn trong nước. Trong truyền thuyết, những “hải nữ” có thể nhịn thở trong 10 phút và lặn sâu đến 20m chỉ với một tấm áo vải gai dệt mỏng và một ống thở tự chế. Họ lặn được lâu hơn, sâu hơn nên những sản vật cũng thu được tốt hơn. Dần dần, lặn biển trở thành một nghề mưu sinh của nữ giới trên đảo. Những người đàn ông lại nhận trách nhiệm chợ búa và chăm sóc con cái.
Cũng từng có thời điểm, người dân sống trên đảo Jeju khinh miệt những nữ thợ lặn Haenyeo. Tuy nhiên, khả năng gánh vác kinh tế trong gia đình của người phụ nữ đảo Jeju vào thời đó trở nên mạnh mẽ và vị trí xã hội của họ cũng cao hơn nhiều so với các địa phương khác của Hàn Quốc.
Giành giật sinh mạng với biển khơi
Ngày nay, những “hải nữ” từ chối sử dụng bình oxy cùng các thiết bị lặn tiên tiến, họ chỉ sử dụng một một bộ quần áo cao su chống lạnh ôm sát người, kính bơi, phao định hướng, lưới cá và cuốc đào... Theo những người “hải nữ” ở đảo, những thiết bị truyền thống này giúp họ hòa vào với biển. Công nghệ hiện đại sẽ khiến biển bị ảnh hưởng, các sinh vật sẽ biến mất và cuộc sống của họ sẽ khó khăn. Sau 2-3 phút lặn ngụp ở độ sâu tới 20m, họ đánh dấu sự trở lại của mình bằng tiếng huýt sáo đặc trưng (gọi là sumbisori) giúp họ giải phóng lồng ngực căng cứng và điều hòa oxy.
Nữ thợ lặn Oh Hyun Suk đã 62 tuổi |
Nói về những ngày tháng lặn ngụp trên biển của mình, nữ thợ lặn Oh Hyun Suk không nén được tiếng thở dài. Bà bắt đầu công việc này từ khi học cấp 1 và cho đến khi đã 62 tuổi, bà vẫn tiếp tục công việc này. Hàng ngày, bà cùng những người nữ thợ lặn xuống biển lúc 9h sáng và quay trở lại khoảng 2-3h chiều. Những ngày đẹp trời, một mình bà có thể thu hoạch được 3-4kg nhím biển và thu về được khoảng 150-200 USD.
Vào những khi biển động, những khi thời tiết biến đổi khó lường, bà cùng những người bạn sẽ phải gánh lấy những rủi ro chẳng thể nào biết được. Có đôi khi, trong những chuyến lặn biển, “hải nữ” sẽ lặng lẽ biến mất trong làn nước biển lạnh giá mà chẳng ai hay biết. Trong vài năm gần đây, số lượng “hải nữ” sụt giảm nghiêm trọng.
Dù vậy, bà Oh Hyun Suk và những “hải nữ” khác không thể bỏ công việc này bởi: “Tôi không có sự lựa chọn làm công việc khác bởi tôi cũng đã già rồi. Con cháu không muốn tôi tiếp tục bán mạng cho biển nhưng đây là niềm tự hào của tôi. Nhờ biển, tôi có thể kiếm sống và nuôi gia đình, trả chi phí học hành cho các con”.
Những nữ thợ lặn trên đảo Jeju hay nói với nhau rằng “biển khơi còn hơn cả nhà cha mẹ đẻ”. Biển khơi là nơi họ xả nỗi ức chế, những đồ mò lặn được dưới lòng biển là nguồn trang trải chi tiêu trong gia đình và cho con cái ăn học không thua bạn kém bè. Vì thế mà có vất vả hơn thì nữ thợ lặn Haenyeo vẫn sẽ đánh bạc với biển cho đến khi không thể làm nữa.
Một tương lai không còn… “hải nữ”?
Vào những năm thế kỷ 19, phụ nữ ở đảo Jeju không có lựa chọn nào khác ngoài công việc lặn. Thế rồi, xã hội phát triển hiện đại tạo nhiều cơ hội cho người phụ nữ Jeju theo những ngành nghề khác. Dần dần, nghề biển trở nên lụi tàn, ngay cả trong những gia đình “hải nữ” truyền thống cũng gần như không có ai kế thừa bởi sự vất vả và nguy hiểm tính mạng luôn thường trực.
Cách đây hai thế kỷ có khoảng trên 30.000 “hải nữ”. Số lượng này chỉ còn ở mức 5.600 vào năm 2002 và hiện giờ chỉ còn có hơn trăm người. Hiện giờ, các “hải nữ” đều đã rất cao tuổi.
Hiện giờ, các “hải nữ” đều đã rất cao tuổi. |
Theo ông Kim Jung Yoon thuộc Tổng cục Du lịch Jeju: “Công việc của một người thợ lặn đã rất vất vả, đừng nói đến chuyện các nữ thợ lặn đều rất cao tuổi. Trong tương lai, khi họ mất sẽ không có thế hệ kế thừa. Hiện tại, đảo Jeju chỉ có thể thực hiện các sản phẩm du lịch trải nghiệm làm nữ thợ lặn, xúc tiến các chương trình quảng bá về các nữ thợ lặn như đồ lưu niệm, các DVD để mọi người có thể tìm hiểu và lưu giữ những kỷ niệm về các Haenyeo”.
Ngoài ra, Jeju cũng xây dựng riêng một bảo tàng về các nữ thợ lặn với 4 phòng triển lãm và chiếu phim, đài quan sát, nơi triển lãm ngoài trời… Bảo tàng bắt đầu mở cửa ngày 9/6/2006 như nơi chứa đựng sự sinh tồn và cuộc sống, lòng tự tôn và lịch sử của những nữ thợ lặn Jeju./.
***Nội dung được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam và hãng hàng không Asiana Airlines.