Thuộc địa phận thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), pháo đài và thành cổ Hwaseong được xây dựng vào thế kỷ 18. Công trình kiến trúc độc đáo này do KTS Jeong Yakyong - người đứng đầu trường phái Thực học ở Joseon bấy giờ thiết kế và chỉ huy thi công theo lệnh vua Jeongjo với mục đích bảo vệ lăng mộ của cha mình. 

Tòa thành đồ sộ được xây bằng gạch và đá hoa cương, kết hợp giữa các trường phái kiến trúc thành cổ của Trung Quốc và Nhật Bản với phong cách xây dựng pháo đài phòng thủ của phương Tây vào cuối thời Trung cổ.

Tường thành được xây bằng gạch và đá, dài 5,74 km. Ban đầu, tường thành có 48 công trình bao quanh khu vực diện tích 1,3 kilomet vuông. Trải qua nhiều biến cố của thiên nhiên và lịch sử, tường thành còn lại 39 công trình.

Vua Jeongjo muốn xây dựng Hwasong thành một pháo đài bất khả xâm phạm, không chỉ mang tính phòng thủ mà còn coi nơi này như là kinh đô phía Nam của đất nước. Bởi vậy, bốn cổng vào thành đều có các pháo đài nhỏ bao quanh cùng các đài quan sát và lỗ châu mai. Tháp báo hiệu có 5 ống khói, dùng tạo những tín hiệu bằng lửa hoặc khói khác nhau. 

Công trình này đã tiêu tốn 870.000 nyang (đơn vị tiền tệ của Joseon đương thời) từ quốc khố, cùng 1.500 bao gạo để trả công cho thợ thuyền. Sau khi hoàn tất, Hwaseong trở thành một quần thể kiến trúc đảm nhận các chức năng quân sự, chính trị và thương mại, vừa giúp vương triều Joseon trụ vững trước các cuộc tấn công của kẻ thù bên ngoài, vừa là cửa ngỏ để Triều Tiên thông thương mậu dịch với bên ngoài.

Tuy nhiên, khi Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1910 thì Hwaseong bắt đầu xuống cấp. Tiếp đến, cuộc chiến tranh Triều Tiên trong các năm 1950 – 1953 đã phá hủy nhiều kiến trúc quan trọng của tòa thành cổ này. Đến năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu công cuộc tái thiết Hwaseong. 

Dựa vào những ghi chép trong sử liệu, các nhà bảo tồn Hàn Quốc đã tái thiết gần như nguyên trạng kiến trúc nguyên thủy cổ thành Hwasong, tạo nên một mô hình “bảo tồn di sản giữa lòng đô thị hiện đại”.

Năm 1997, Hwaseong được tổ chức UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, du khách có thể tham quan toàn bộ khu vực này bằng cách đi tàu hỏa Hwaseong và thưởng thức các hoạt động trải nghiệm truyền thống như bắn cung hay kéo chuông vàng.

Bên trong tòa thành trước đây còn có một quần thể cung điện có tên là Haenggung (Hành cung) nằm dưới chân đồi Paldalsan, gồm 22 dinh thự với 600 gian phòng. Đây là nơi vua Jeongjo cùng thân quyến và tùy tùng trú ngụ mỗi khi họ đến Suwon viếng mộ hoàng tử Sado. 

Haenggung cũng là nơi đặt bộ máy cai trị của chính quyền Suwon, nơi tổ chức lễ mừng thọ cho các thành viên của hoàng gia, lễ ban yến cho các trưởng lão đại thần và là nơi diễn ra các kỳ thi Hội và thi Đình dưới triều Joseon.

Khi vua không ở, Haenggung sử dụng làm trụ sở hoạt động chính của các quan lại vùng Suwon; tổ chức lễ mừng thọ hoàng gia, đại tiệc cho bô lão và các kỳ thi quốc gia. 

Gần bên Haenggung là điện thờ Hwaryeongjeon, xây dựng vào năm 1801, lưu giữ bức chân dung, trang phục của vua Jeongjo.

Trước cổng vào Haenggung ngày nay là một trung tâm dịch vụ du lịch 3 tầng, một phòng triển lãm và rạp chiếu phim 3D. Du khách cũng có thể thưởng thức màn trình diễn võ cổ truyền tại ngay trước cổng Haenggung.

Màn trình diễn được pha trộn giữa phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc như kể lại một đoạn lịch sử của Suwon.

Cung điện Hwaseong cũng là bối cảnh quay bộ phim nổi tiếng "Nàng Dae Jang-geum".

(Nội dung được thực hiện với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam và hãng hàng không Asiana Airlines).