Gốm Việt Nam từng có vị trí lớn trên thế giới, có tiếng nói riêng và trở thành phong cách nghệ thuật như gốm thời Lý, Trần Lê... Tuy nhiên, với gốm đương đại, người làm gốm ở Việt nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thị trường gốm nghệ thuật hiện nay vẫn còn đang lập chập. Đó là nhận định của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV.
Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Nguyễn Đức Bình. |
PV: Thưa nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, gốm truyền thống và gốm đương đại Việt Nam có sự khác nhau như thế nào?
NPB Phan Cẩm Thượng: Gốm truyền thống cũng có phần để chơi nhưng đã là gốm thì phải có chức năng như: gốm gạch xây nhà, gốm trang trí kiến trúc, gốm bình lọ, bát đũa dùng sinh hoạt. Mặc dù vậy gốm Việt Nam có vị trí lớn trên thế giới, có tiếng nói riêng và trở thành phong cách nghệ thuật, ví dụ như gốm thời Lý, Trần, Lê. Đến những tác giả hiện đại như anh Nguyễn Trọng Đoan, Nguyễn Bảo Toàn thì họ không thể tiếp tục con đường làm gốm chức năng như thế. Dù sao nó cũng chỉ là ngành trang trí ứng dụng. Họ chuyển sang dùng chất liệu gốm để làm các tác phẩm nghệ thuật
PV:Tiếng nói mới ấy, theo ông ngoài Nguyễn Trọng Đoan hay Nguyễn Bảo Toàn còn có những tên tuổi nào khác hay là chúng ta đang giới hạn trong một số tên tuổi?
NPB Phan Cẩm Thượng: Thực ra những người làm gốm ở Việt Nam bây giờ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nghĩ rằng có tên có tuổi cũng chỉ khoảng vài chục người. Ví dụ như gốm Chi ngày xưa (bây giờ anh đã mất), bác Nguyễn Văn Y là những người chạy qua chạy lại giữa gốm chức năng và gốm tạo hình. Gần đây có nhiều người làm gốm, ví dụ như anh Hải ở Cơm Phố, anh Hiếu ở Bảo tàng Mường, một anh Hiếu ở Hà Nội nữa... Họ đều chạy đi chạy lại giữa gốm truyền thống, gốm sử dụng và gốm nghệ thuật. Nhưng để trở thành một tác giả chắc chắn để người ta nhớ đến một phong cách gốm thì có thể cần một thời gian, hoặc có thể họ đang ngập ngừng giữa gốm chức năng và gốm tạo hình.
PV: Con đường của gốm đương đại theo ông có rộng mở không, thưa ông?
NPB Phan Cẩm Thượng: Hiện nay có thể nói đây là ngành rất khó, vì ngành này đầu tư 10 chưa chắc được 1, làm ra 10 cái bát chưa chắc đã thu được một cái. Vì nó không phải là cái bát ăn cơm để bán giá rẻ được. Khả năng thành công trong việc nung sẽ là ngẫu nhiên. Trình độ gốm Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào một cái lò ngẫu nhiên chứ không được kiểm soát chặt chẽ như lò của phương Tây. Người ta biết chắc chắn nhiệt độ, phản ứng hóa học cụ thể thì ngành ấy ở Việt Nam hiện nay đang rất kém. Tôi hi vọng nó phải có một sự đầu tư nào đấy để tăng cường khoa học kĩ thuật cho ngành gốm để nó có thể tiến lên một bước.
Thứ hai là thị trường tranh thì có thể có nhưng thị trường gốm nghệ thuật hiện nay vẫn còn đang lập chập lắm.
PV: Lập chập hay có thể khẳng định là chưa có?
NPB Phan Cẩm Thượng: Nó có đấy, tức là có thể bán được nhưng rất hi hữu và giá của nó chưa biết như thế nào là tốt cả.
PV: Ông có hi vọng việc phát triển gốm đương đạinày ở những làng nghề không hay chỉ hi vọng vào những cá nhân thôi?
NPB Phan Cẩm Thượng: À, không! Ngành nào cũng phải có sự trưởng thành cá nhân thì mới ra được, chứ còn làng nghề chỉ chú ý đến việc làm ăn thôi. Dù sao nó cũng chỉ giới hạn trong thợ thủ công. Gốm Việt Nam thì có nhiều trung tâm và nó chỉ đạt ở mức độ là thợ thủ công làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoặc mỹ nghệ là hết chứ nó không đi quá được mỹ nghệ. Còn gốm tác giả cũng giống như sự trưởng thành của nhà văn, nó khác chứ không phải cứ nặn, cứ nung là ra được.
PV: Xin cảm ơn ông!./.