Sau khi Đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức. Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV online sáng ngày 6/12, sau khi loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Đờn ca tài tử được UNESCO chính thức công nhận chiều ngày 5/12 tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra ở Baku, Azerbaijan.

the-hung-1.jpg
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Bộ VHTT&DL Nguyễn Thế Hùng

Ông Nguyễn Thế Hùng:Đối với văn hóa phi vật thể thì đây là di sản thứ 8 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Đây là vinh dự cho Việt Nam nói chung và đặc biệt là vinh dự cho 21 tỉnh phía Nam có di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử. Điều đó càng ý nghĩa khi đây là di sản đầu tiên của chúng ta nằm trên phạm vi không gian của các tỉnh cực Nam Trung bộ và Nam bộ được vinh danh ở cấp độ quốc tế.

Đờn ca tài tử được vinh danh có thêm một ý nghĩa nữa vì loại hình nghệ thuật này được phổ biến rất rộng rãi các tỉnh phía Nam nhất là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Tôi nghĩ rằng không chỉ nhân dân Việt Nam, nhân dân quốc tế mà những người yêu môn nghệ thuật truyền thống này và các nghệ nhân, nghệ sỹ Đờn ca tài tử những ngày này chắc chắn là rất vui mừng vì chúng ta đã nhận được sự đánh giá cao nhất của UNESCO đối với hồ sơ này.PV:
Vinh dự thường đi kèm với trách nhiệm. Chúng ta sẽ có phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị của Đờn ca tài tử thế nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thế Hùng: Mỗi một di sản văn hóa được UNESCO vinh danh thì tôi đều nhận được rất nhiều câu hỏi về phương hướng bảo tồn. Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng khi một di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh thì đồng thời cũng là sự đánh giá đối với việc Việt Nam đã bảo tồn di sản đó như thế nào trong những năm gần đây. Đó là cái đánh giá đầu tiên của họ và họ ghi nhận những hoạt động mà chúng ta đã làm để bảo tồn, ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng cũng như là của chính quyền địa phương cũng như là ghi nhận những sự tham gia của cộng đồng và chính quyền địa phương vào việc bảo tồn đó chứ không phải là đến khi chúng ta được vinh danh chúng ta mới làm việc bảo tồn. Việc bảo tồn ấy chúng ta đã làm rất lâu và rất nhiều rồi. Còn bây giờ chúng ta được vinh danh thì chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, bám sát những kế hoạch đã được ghi trong hồ sơ mà UNESCO đã phê duyệt.

PV:

Xin cảm ơn ông./.
Theo đánh giá của UNESCO, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã đáp ứng được cả 5 tiêu chí đặt ra để đăng ký vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại trong đó nổi bật là các tiêu chí: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam, Đờn ca tài tử liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc…