Từ cuối tháng 10/2012 đến tháng 4/2013, tỉnh Vĩnh Long sẽ triển khai thực hiện việc kiểm kê di sản “Nghệ thuật đờn ca tài tử lần 2”, theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để Việt Nam sớm hoàn tất hồ sơ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), chính thức công nhận đờn ca tài tử của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo đó, các địa phương sẽ thống kê cụ thể, chính xác về số lượng các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử; số lượng nghệ nhân; số lượng người có khả năng truyền dạy, khả năng thực hành về nghệ thuật đờn ca tài tử; các hoạt động liên quan đến nghệ thuật này tại địa phương; hiện trạng hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử; các tư liệu, hiện vật, văn bản liên quan; kế hoạch hành động và biện pháp bảo vệ, bảo tồn nghệ thuật này trong thời gian tới.
Về tài tử, việc kiểm kê đánh giá theo 2 bậc: nghệ nhân đờn ca tài tử (là nhạc sư, thầy đàn; nghệ sĩ điêu luyện, có giọng ca hay 15/20 bản tổ; có truyền bá dạy nghề cho lớp trẻ) và người biết chơi đờn ca tài tử (được các nghệ nhân truyền dạy, tham gia nhiều cuộc chơi, thi, liên hoan đờn ca tài tử; biết ca một trong các hơi Bắc, Hạ, Nam, Oán và Vọng cổ). Về câu lạc bộ (hoặc nhóm) đờn ca tài tử, chỉ kiểm kê các câu lạc bộ (hoặc nhóm) có số thành viên tối thiểu là 4 người và dàn nhạc có từ 2-3 cây đàn trở lên; có lịch sinh hoạt định kỳ; có quyết định cho phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.
Cũng trong thời gian này, Vĩnh Long sẽ tổ chức làm phim tư liệu, ghi hình, ghi tiếng làm tư liệu cho hồ sơ đờn ca tài tử của tỉnh tại 2 huyện Bình Minh và Vũng Liêm./.