PV: Là nhân vật chính trong phim “Em bé Hà Nội”, cũng đã từng trải qua những ngày tháng Hà Nội bị ném bom B52, chị nhớ gì về những ngày tháng ấy?
NSND Lan Hương: Năm 1972 tôi mới 9 tuổi, đang học lớp 4 trường tiểu học Thụy Khuê. Không biết với đứa trẻ 9 tuổi khác thế nào chứ tôi thì rất sợ hãi. Bà ngoại tôi chỉ có 2 người con là mẹ và bác ruột tôi. Bà đẻ 9 người chết 7 nên cả nhà luôn luôn ko rời nhau, có một quan điểm chết là chết cùng. Gia đình tôi đi sơ tán rất gần, chỉ ngay qua Hà Đông một tí thôi, có hiện tượng gì là chạy về Hà Nội ngay. Nhưng không được phép ở Hà Nội vì lúc đấy người già, trẻ con ở lại Hà Nội là bị kỷ luật nên nhà nán nán ở HN, thỉnh thoảng lại về quê.
Đêm đầu tiên bị ném bom B52 là cả nhà đang ở Hà Nội, ở 72 Hoàng Hoa Thám. Phải nói là mưa bom chớp giật kinh hoàng, chỉ nghe thấy tiếng rú, tiếng hét xung quanh. Lúc bấy giờ Hà Nội rất nhỏ, chỉ loanh quanh mấy phố, tiếng hét ở đâu cũng có cảm giác nghe thấy rất rõ. Hôm sau, 4h sáng, cả nhà cơm đùm cơm nắm quấn vội mấy cái quần áo chạy về Hà Đông, Bình Đà. Không được chứng kiến cảnh bom đạn ở mấy địa điểm như Khâm Thiên nhưng tôi nghe thấy, nhìn thấy bom trên trời. Lúc bấy giờ ở đấy chỉ có mấy cái hầm cá nhân nhỏ nhỏ, lúc xuống là nhảy bổ vào đầu nhau mà xuống, còn chả kịp kéo nắp hầm lại đâu, cứ người lớn ôm lấy trẻ con như thế.
Bộ phim "Em bé Hà Nội" là viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp nghệ thuật của NSND Lan Hương |
PV: Gia đình đi sơ tán gần, lại thường xuyên quay về Hà Nội, chắc là trong 12 ngày đêm Hà Nội bị thả bom chị đều sống trong cảnh nguy hiểm cận kề?
NSND Lan Hương: Trong những ngày đó bom thả liên tục, chỉ ngưng 1,2 ngày gì đó. Hồi đó tôi rất sợ nên thấy người lớn bàn luận gì là ngồi nghe. Tôi không giống những đứa trẻ con khác quên được ngay những chuyện đấy, đi ra chơi đâu. Tôi nghe ông ngoại nói hôm nay không đánh đâu thì hôm đó chỉ nghe thấy ì ì từ xa, mọi người thở phào nhẹ nhõm, coi như thoát được một hôm.
Nhà tôi sơ tán ở đường Bình Đà, chỗ ấy bộ đội đóng rất nhiều: cao xạ pháo, cao xạ tầm cao, kho xăng, quân nhu. Mọi người bảo dại thế đi sơ tán phải tránh xa nơi quân đội đóng vì rất nguy hiểm nhưng cả nhà bảo thôi cứ gần nhà, đây là quê từ thời xa xưa, đây là một dịp quay trở về quê, cho nên sống chết cứ ở đây.
Hôm ấy nghe nói đánh bom ở chỗ đường này, cả nhà vào nhà họ hàng ở chỗ sông Đáy, cách mặt đường đấy dăm bảy cây. Đi bộ vào đấy tưởng yên tâm, tối hôm đấy nó đánh đúng đê sông Đáy. Thì ra là nó ném bom lệch, định ném bom ở tâm điểm này thì ném vào đúng chỗ mình chạy đến đấy. Hầm chữ A tốc hết, cây chuối cây xoan phạt ngổn ngang, che kín cả hầm mình. Khói khét mù mịt, tiếng hét, tiếng khóc kinh hoàng.
Mỗi khi vào hầm bà ngoại tôi có cái dây thừng buộc chặt cả 5 người vào với nhau gồm hai ông bà ngoại, 2 anh trai con ông bác ruột và tôi. Khi hết bom, khói còn nghi ngút, mọi người đang nhốn nháo thì cả nhà gỡ dây, chạy về chỗ sơ tán, cách dăm bẩy cây, hai bên là bom nổ chậm, cứ thế là chạy. Tôi không bao giờ quên được nỗi kinh hoàng đấy.
Đôi mắt biết nói là dấu ấn mạnh mẽ nhất trong diễn xuất của "em bé Hà Nội" |
PV: Những trải nghiệm đó giúp ích gì cho chị trong quá trình đóng phim “Em bé Hà Nội”?
NSND Lan Hương: Khi đóng phim, chỉ cần đạo diễn bảo nhớ lại những ngày tháng ấy, những lúc Hà Nội bị ném bom thì nỗi sợ hãi và giận dữ sống lại trong tôi, rất thật. Tôi cũng đã trải qua chiến tranh những năm 1965, 1966, khi ấy mới 3,4 tuổi nhưng tôi vẫn nhớ nỗi sợ hãi luôn thường trực. Từ bé tôi đã nghĩ tại sao mình phải trốn, trốn tránh suốt ngày, ngày ngủ đêm thức để chạy như thế.
PV: Bộ phim được quay trong gần 2 năm trời, kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
NSND Lan Hương: Đóng phim rất vất vả vì mùa hè nắng gắt mà lại mặc đồ mùa đông vì bối cảnh của phim vào tháng 12 mà. Nhưng mùa hè mới có nắng, quay cảnh ngoài trời mới đẹp, mùa đông chỉ quay nội cảnh. Tôi bệnh phổi, bệnh phế quản, cứ nóng quá, mồ hôi ra là ho. Mấy năm đấy ho liên tục nhưng đi quay thì hết ho, về nhà lại ho. Tinh thần mà, yêu việc diễn lắm, cứ như lên đồng. Ngay từ bé mọi người đã nhận xét bình thường lười lắm, không bao giờ tự làm gì, nhưng trước ống kính bảo ngã là ngã, bảo chạy là chạy. Giờ lên sân khấu cũng thế, diễn như lên đồng, nhưng không lười nữa (cười)
Gần 50 tuổi, NSND Lan Hương vẫn thường được gọi là "em bé Hà Nội" |
PV: Có cảnh quay nào ám ảnh chị cho đến bây giờ không?
NSND Lan Hương: Có một cảnh rất xúc động là khi Ngọc Hà năn nỉ người bán hàng đừng gạch tên mẹ và em mình trong sổ tem phiếu. Thực ra lúc ấy bác Hải Ninh bảo khóc thì tôi khóc chứ thực ra chả hiểu lắm, thật tình không hiểu. Bác Hải Ninh cũng giải thích cắt thế này là mẹ chết rồi thì mình bảo chết rồi thì cứ cắt chứ có sao. Thực sự không hiểu lắm, nếu giờ ba hoa là lúc đấy xúc động nọ kia là nói dối. Chỉ hiểu là mẹ Ngọc Hà chết rồi nhưng đừng xóa tên, có cái tên bên cạnh là được rồi. Sau này mới thấu hiểu.
Khi con gái tôi 5 tuổi, tôi gửi cháu đi nước ngoài. Khi ấy tôi rất nghèo nhưng gia đình có thể đi nước ngoài, tôi không đi, chỉ gửi con sang với chồng. Hồi ấy kiểm tra nhân sự, hộ khẩu rất khắt khe nhưng tôi vẫn cố gắng giữ tên con bé ở hộ khẩu cho đến bây giờ, gần 30 năm rồi. Tôi cố giữ vì khi có tên con trong sổ nhà mình, có cảm giác con đang đi đâu xa mấy ngày, chứ không có cảm giác nó đi lâu lâu, mãi không thấy về.
Tôi mới vận lại mới hiểu được à, Ngọc Hà bảo không gạch tên mẹ nó, em nó vì nếu còn cái tên thì cảm giác giống như mẹ nó, em nó còn tồn tại bên cạnh mình, vẫn có thể trở về…
PV: Xin cảm ơn NSND Lan Hương về cuộc trò chuyện này./.