Trong căn nhà nhỏ trên phố Minh Khai (Hà Nội), nhà báo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành giở từng tấm ảnh ông đã chụp trong Chiến dịch Điện Biên phủ trên không. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một mảng ký ức…

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, khi đang là phóng viên ảnh của Thông tấn xã, ông Chu Chí Thành từng có mặt ở nhiều vùng bị địch bắn phá ác liệt như: Quảng Bình, Nghệ An, Vĩnh Linh (Quảng Trị)...

Đặc biệt trong cuộc tập kích chiến lược bằng B52 năm 1972 của không lực Hoa Kỳ vào Hà Nội, suốt 12 ngày đêm, ông luôn có mặt từng góc phố, con đường để ghi lại cảnh đổ nát, đau thương mà người Hà Nội phải gánh chịu và hình ảnh chiến đấu chiến thắng oai hùng của quân, dân ta trước không quân Mỹ.

nhabao.jpg
Nhà báo Chu Chí Thành

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong ông chính là lúc tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên sau những trận oanh kích của quân thù.

Ông phải kìm nén những giọt nước mắt để chụp lại bằng chứng tố cáo tội ác của Mỹ. Ngay cả trong lúc bi thương, ông vẫn cố tìm cho được góc máy nhằm lột tả sự kiên cường của người dân Hà Nội.

Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại: “Khi đến Khâm Thiên, tôi thấy người dân đang đào bới trong đống đổ nát để cứu người. Và cảnh xúc động là một người phụ nữ băng qua đống đổ nát, hố bom để tìm người. Lúc đó, trên vai chị vẫn đeo súng và còn mang một chiếc khằn rằn của miền Nam. Khi thấy cảnh đó, tôi đã nhanh chóng ghi lại hình ảnh này và rất xúc động vì tinh thần chiến đấu và tình quân-dân của chúng ta”.

Có mặt ở hầu hết các trận địa tên lửa, pháo cao xạ trong chiến dịch 12 ngày đêm khói lửa, nhà báo Xuân Mai, nguyên Tổng Biên tập báo Phòng không – Không quân cho rằng: Trong thời chiến, mọi thứ đều có thể xảy ra nên mỗi khi đi tác nghiệp ông và đồng nghiệp đều phải chuẩn bị tinh thần hy sinh bất cứ lúc nào. Bằng sự dũng cảm, kiên trường và lòng nhiệt huyết, ông luôn theo sát các chiến sĩ bộ đội để có những bức ảnh, bài viết chân thực nhất ngay trong những lúc khói lửa ác liệt.

Sau 40 năm, ấn tượng sâu sắc với ông là đêm đầu tiên (18/12/1972) Mỹ ném bom. Cả Hà Nội rung chuyển, rực cháy bởi bom Mỹ và pháo phòng không, tên lửa đánh trả của Việt Nam.

Tới đợt ném bom thứ hai trong đêm, một tiểu đoàn đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay B52 đầu tiên tại cánh đồng xã Phù Lỗ (huyện Đông Anh). Nhìn thấy bức ảnh B52 đầu tiên rơi tại chỗ do phóng viên của mình chụp, ông đã xúc động, sung sướng đến tột cùng.

Nhà báo Xuân Mai kể lại: “Lúc đó, tôi đang phụ trách tòa soạn báo Phòng không Không quân, thì được chỉ huy thông báo có máy bay rơi ở Phù Lỗ, có thể là B52 nên lập tức cử phóng viên đến đó. Phóng viên của chúng tôi chạy mô tô đi nhưng đến Đông Anh, gặp máy bay rải bom nên phải để xe ở nhà dân rồi chạy bộ lên và đã chụp được bức ảnh B52 rơi tại chỗ”.

Người ta gọi 12 ngày đêm của quân và dân Hà Nội là trận đánh huyền thoại, khi đã bắn hạ những pháo đài bay chiến lược được coi là “bất khả xâm phạm” của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cùng với chiến thắng lẫy lững đó, những nhà báo chiến trường bằng các bức ảnh, bài viết ghi thực tế tại những khu phố đổ nát, tang thương... đã góp phần vạch trần tội ác của Mỹ, đóng góp vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực thông tin, báo chí và ngoại giao, để buộc chính quyền Mỹ phải đặt bút ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.

Nhà báo nhiếp ảnh Chu Chí Thành cho biết: Thời kỳ đó chúng ta có những đấu tranh xen kẽ rất hay. Chúng ta đấu tranh trên mặt trận ngoại giao là đang ở bàn hội nghị Paris nhưng cũng đấu tranh bằng công tác thông tin tuyên truyền.

Trong suốt 12 ngày đêm, cứ 1-2 ngày, chúng ta lại mở một cuộc họp báo quốc tế và đưa ra những hình ảnh đổ nát, hy sinh rồi đưa giặc lái bị bắt ra trước công luận trong nước và quốc tế. “Chúng tôi khi đó quay phim, chụp ảnh, viết bài và Thông tấn xã có máy tê-lê phô-tô để truyền tin ra nước ngoài để quốc tế thấy được hình ảnh phi công Mỹ bị bắt và tội ác của Mỹ. Đây chính là đòn đánh bằng công tác thông tin tuyên truyền, và bạn bè quốc tế ủng hộ chúng ta để gây sức ép, buộc chính quyền Mỹ phải vào đàm bàn phán”, ông Thành nói.

Ký ức về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong Chiến dịch Điện Biên phủ trên không sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những nhà báo, nhà nhiếp ảnh.

Những bài báo, bức ảnh mà họ đã không quản hiểm nguy để ghi lại, đã trở thành vô giá, lên án chiến tranh và thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc ta./.