Đây là lễ hội truyền thống để ghi nhớ công lao khai thiên lập địa của tổ tiên, răn dạy con cháu về truyền thống của làng cũng như mở hội đầu xuân cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nghi lễ rước sắc phong từ đền thờ của phái nhì tộc Đặng ra đình làng Túy Loan (Ảnh: Đắc Mạnh/Báo Đà Nẵng) |
Lễ hội đình làng Túy Loan có hai phần Lễ và Hội, trong đó phần Lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm: Lễ rước sắc phong, lễ cáo tiền hiền của các chư phái tộc, lễ tế cổ truyền. Phần Hội gồm nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như: Đua thuyền, hát bội, hát bài chòi, nướng bánh tráng, gói bánh tét, trèo cây chuối…
Làng cổ Túy Loan được thành lập bởi 5 anh em kết nghĩa họ Đặng – Lâm – Nguyễn – Trần – Lê phụng chỉ triều đình nhà Lê, đời vua Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470) đi mở mang bờ cõi về phương Nam dừng chân nơi đây để lập nghiệp. Đến năm Thành Thái thứ nhất (1889), đình làng Túy Loan được xây dựng thờ Thành hoàng bổn xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền của làng.
Vào thời nhà Nguyễn, làng Túy Loan được phong 20 Sắc Thần và Sắc Tiền Hiền. Đến năm 1999, đình làng Túy Loan được Bộ Văn hóa-Thể thao (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lão làng Đặng Khôi cho biết: “Mục đích của tổ chức lễ hội là duy trì văn hóa của dân tộc, đồng thời tạo cho mối quan hệ của nhiều tầng lớp từng bước thấm nhuần, đưa lại sự phát triển của văn hóa nông thôn. Người già luôn luôn muốn tổ chức lễ hội để cảm hóa con cháu thế hệ sau từng bước theo ông cha”./.