"Cầu Long Biên sẽ là một phần của không gian văn hóa Hà Nội trong tương lai" - đó là nhận định của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư tại tọa đàm “Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị”. Chương trình diễn ra chiều nay (25/2), do trường Đại học Phương Đông Hà Nội tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc đô thị Việt Nam. 

cau%20long%20bien.jpg
Cầu Long Biên

Các đại biểu tham dự tọa đàm đã nhấn mạnh giá trị cầu Long Biên về mặt công nghệ, mỹ thuật và đặc biệt là về mặt lịch sử. Bên cạnh đó, việc cầu Long Biên chưa được công nhận là di sản quốc gia chính là nguyên nhân gây khó dễ cho ứng xử hài hòa giữa bảo tồn và xây dựng đô thị Hà Nội. Hầu hết các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều thống nhất việc bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên, đặt nó trong cấu trúc đô thị di sản và có phương án bảo tồn phù hợp.

Khi nói về vị trí cầu Long Biên trong bối cảnh đô thị tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: “Nếu để cho sự bền vững của Hà Nội với tư cách là đô thị di sản văn hóa trong tương lai thì cái thiếu nhất chính là không gian văn hóa. Không gian liên kết văn hóa là khó vô cùng. Tôi ước ao cầu Long Biên là thành phần liên kết các không gian văn hóa và chứa đựng những nội dung văn hóa, nội dung mới của Hà Nội trong tương lai, để tiêu chí về thành phố di sản văn hóa chắc chắn đạt được.”

Kết luận buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu khẳng định: Nên bảo tồn cầu Long Biên như một giá trị không thể thiếu của đô thị di sản Hà Nội. Việc xây dựng đô thị Hà Nội trong tương lai sẽ không thể không xây dựng thêm nhiều cây cầu nhưng giới kiến trúc và xây dựng kiến nghị: bằng mọi giá phải giữ cây cầu Long Biên.

Họ cho rằng việc xây dựng cầu mới bên cạnh nó phải đảm bảo khoảng cách 180-200m. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng kiến nghị các nhà quản lý cần tiếp cận và có cách ứng xử đúng mực với di sản, đặc biệt với cây cầu mang giá trị biểu tượng văn hóa như cầu Long Biên./.