Đây là cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu nhất khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua Thế giới Arab và vẫn chưa có dấu hiệu tìm thấy lối thoát.

Ngày 2/1, ít nhất 30 dân thường bị thiệt mạng khi máy bay chiến đấu của Syria đánh bom một trạm xăng tại khu ngoại ô Muleiha phía Đông thủ đô Damascus đúng lúc mọi ngươi đang xếp hàng chờ mua xăng.

syria-crisis1.jpg

Trạm xăng biến thành biển lửa để lại nhiều thi thể nạn nhân cùng xe ôtô, xe máy bị cháy rụi. Sau vụ này, LHQ ra báo cáo thống kê với con số giật mình: hơn 60.000 người đã chết trong 21 tháng xung đột ở Syria, cao hơn nhiều so với thống kê mới đây của các nhà hoạt động.

Nguyên nhân chính là phe đối lập đẩy mạnh chiến lược tấn công các sân bay nhằm kiềm chế lợi thế không quân của chính quyền Syria và tìm cách thọc sâu vào trung tâm thủ đô Damascus. Trong khi đó, chính phủ đáp trả bằng các cuộc không kích xuống khu vực ngoại ô bao quanh thủ đô. Ngày 2/1, Cao ủy LHQ về Nhân quyền Navi Pillay ra tuyên bố chỉ trích cả 2 phía của cuộc chiến, cho rằng, hành động của các bên đều có thể xem xét là tội ác chiến tranh.

Theo thống kê của LHQ, nếu như mùa Hè năm 2011, số người chết hàng tháng là 1.000 người thì 1 năm sau, con số này tăng lên 5.000/tháng. 84.000 người đã bỏ chạy khỏi Syria riêng trong tháng 12 vừa qua, nâng tổng số người tỵ nạn tại nước ngoài lên nửa triệu.

Theo tổ chức Giám sát nhân quyền có trụ sở tại Anh, ngay trong ngày đầu năm mới lại có thêm ít nhất 110 người Syria thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Đến nay, bất chấp những nỗ lực ngoại giao của LHQ và cộng đồng quốc tế, bạo lực tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Suốt năm qua, cuộc sống của người dân Syria bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá cả tăng vọt, đồng tiền bị phá giá và thiếu thốn đủ thứ do xung đột và lệnh cấm vận của phương Tây. Giá các nhu yếu phẩm như dầu, đường ăn đều tăng gấp đôi.

Theo giới phân tích, nếu không có giải pháp đột phá nào thì năm 2013 Syria sẽ tiếp tục chứng kiến thêm nhiều người mất nhà cửa, hàng nghìn người bị đẩy vào cảnh vô gia cư và thiếu ăn. Những người dân Syria tại trại tỵ nạn Yayladagi (Thổ Nhĩ Kì) bày tỏ mong muốn một đất nước Syria hoà bình trong năm 2013: “Một thực tế là tôi đang sống ở căn lều nhỏ bé này, bỏ lại đằng sau căn nhà lớn. Nhưng ít nhất hiện tôi còn được cảm thấy tự do. Tôi biết, cảm giác tự do an toàn có ý nghĩa như thế nào khi thảm kịch vẫn đang tiếp diễn tại Syria. Tôi hy vọng sẽ được trở về quê nhà khi chiến sự chấm dứt”.

“Tôi hy vọng hòa bình, tự do sẽ đến sau nhiều khổ đau, vết thương sẽ dần được chữa lành trong năm 2013. Chúng tôi cầu mong được trở về đất nước Syria thân yêu trong năm nay”. Sau một năm bế tắc và đẫm máu, người dân Syria có quyền hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2013 dù trước mắt họ chưa thấy tia sáng cho một lối thoát./.