Cuộc khủng hoảng tại Syria đã chuyển sang một bước ngoặt mới sau khi các nhóm đối lập tại nước này thỏa thuận thành lập "Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria". Việc một loạt nước và tổ chức trong khu vực tuyên bố thừa nhận tính hợp pháp của lực lượng này cũng đồng nghĩa với khả năng một sự can thiệp sâu hơn của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng.
Ngày 13/11, Pháp đã trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên tuyên bố thừa nhận Liên minh đối lập tại Syria, coi đây là “đại diện duy nhất của nhân dân Syria”.
Phiến quân tại Syria (Ảnh: Telegraph) |
Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố: “Sự kiện tại Doha là rất quan trọng. Một liên minh đã được thành lập. Và tôi xin thông báo rằng, Pháp công nhận Liên minh quốc gia Syria là đại diện duy nhất của nhân dân Syria, cũng như chính phủ lâm thời của đất nước Syria dân chủ trong tương lai”.
Trước đó cùng ngày, Liên đoàn Arab và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cũng cũng lên tiếng công nhận liên minh mới của phe đối lập Syria, đồng thời hối thúc các nhóm đối lập khác gia nhập liên minh này để quy tụ tất cả các thành phần dân tộc Syria.
Sự ra đời của liên minh đối lập tại Syria đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 19 tháng qua tại nước này. Theo các nhà phân tích, việc nhiều nước và tổ chức khu vực thừa nhận tính hợp pháp của lực lượng đối lập tại Syria cũng đồng nghĩa với một sự can thiệp sâu hơn vào cuộc khủng hoảng tại nước này, mà trước tiên là cung cấp vũ khí. Ngay trong phát biểu ngày 13/11, Tổng thống Pháp François Hollande cũng khẳng định, việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập phải được xem xét lại và Pháp sẽ nghiên cứu vấn đề một khi tổ chức này thành lập chính phủ chuyển tiếp.
Các nhà phân tích cho rằng, một sự can thiệp của bên ngoài vào vấn đề Syria sẽ chỉ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn cả ở Libya. Bởi với vị trí chiến lược của Syria, cuộc khủng hoảng ở nước này có thể gây hậu quả khôn lường cho toàn khu vực Trung Ðông.
Lo ngại vấn đề này, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton ngày 13/11 khẳng định, giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria phụ thuộc vào sự hợp tác khu vực.
“Cuộc khủng hoảng tại Syria là một trong những thách thức của khu vực. Chúng tôi tin rằng, việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang đòi hỏi một cách tiếp cận khu vực, một giải pháp khu vực, sự phối hợp các nỗ lực nhằm hỗ trợ người dân đang sống trong tình cảnh hiện nay”- bà Catherine Ashton nói.
Trong khi đó, Chính phủ Nga tỏ ra khá thận trọng khi nhắc lại lời kêu gọi đối thoại quốc gia, tới nay vẫn bị phe đối lập bác bỏ và tuyên bố chỉ đàm phán sau khi Tổng thống Assad ra đi. Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng các nước vùng Vịnh dự kiến nhóm họp trong ngày 14/11 tại Saudi Arabia để thảo luận về tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria.
Về phần mình, Iran, một đồng minh của chính quyền Syria cũng tuyên bố ủng hộ một giải pháp chính trị, đồng thời thông báo sẽ tổ chức “một cuộc đối thoại quốc gia” giữa đại diện chính phủ Syria và các bộ tộc, đảng phái chính trị, dân tộc thiểu số và phe đối lập vào cuối tuần này tại thủ đô Tehran./.