Bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, vũ khí vẫn được "tuồn" vào Libya - nơi đang diễn ra cuộc giao tranh ác liệt khi Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tấn công quân chính phủ ở thủ đô Tripoli. Nhiều nhà quan sát lo ngại, động thái này có thể khiến xung đột Libya leo thang thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các nước trong khu vực.
Xung đột Libya có nguy cơ thành cuộc chiến ủy nhiệm giữa các nước trong khu vực. Ảnh: AFP |
Lực lượng LNA của Tướng Haftar kiểm soát phía đông Libya nhận được sự ủng hộ từ Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.
Ngày 4/4, Tướng Haftar đã tiến hành một cuộc tấn công vào Tripoli nhưng lực lượng LNA vấp phải sự chống trả của quân chính phủ và hai bên vẫn tiếp tục giao tranh ở ngoại ô phía nam thủ đô của Libya.
Cả hai bên đều kêu gọi chi viện từ bên ngoài với các đợt cung cấp vũ khí lần lượt "đổ vào” Libya, bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc chính thức có hiệu lực từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi bị lật đổ.
GNA đã cho biết ngày 18/5 rằng họ đã nhận được nhiều "đạn dược, các phương tiện bọc thép và vũ khí" để trang bị cho các tay súng. Lực lượng này không nêu cụ thể nguồn cung cấp các loại vũ khí này mà chỉ đăng tải các hình ảnh lên mạng xã hội với nhiều xe bọc thép BMC Kirpi của Thổ Nhĩ Kỳ tại cảng Tripoli.
Đáp lại, các trang web ủng hộ Tướng Haftar ngày 19/5 cũng đăng tải các hình ảnh và video về các ô tô bọc thép do Jordan sản xuất và cho biết chúng được đưa tới để hỗ trợ lực lượng LNA.
Arnaud Delalande, một chuyên gia về quốc phòng ở Libya nhận định, động thái này cho thấy cả hai bên đều không có ý định sẽ dừng lại và cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi này có thể vẫn còn kéo dài.
Một nguồn tin quân sự ở phía đông Libya từ chối đưa ra xác nhận về các xe bọc thép của Jordan được chuyển tới cho lực lượng LNA nhưng khẳng định "những sự chi viện về vũ khí sẽ không dừng lại".
Wolfram Lacher - chuyên gia tại Viện các Vấn đề An ninh và Quốc tế có trụ sở ở Berlin bình luận sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng GNA sẽ "giúp thu hẹp khoảng cách về vũ khí giữa 2 bên. Một số lượng lớn các phương tiện bọc thép của UAE đã giúp Tướng Haftar chiếm được các khu vực ngoại ô nhưng nay chúng có thể sẽ mất đi lợi thế này".
Tuy nhiên, "sự chi viện của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể khiến các lực lượng ủng hộ Tướng Haftar tăng cường ủng hộ và thậm chí can thiệp trực tiếp hơn vào cuộc chiến này", ông Lacher nhận định.
Theo chuyên gia này, "cuộc chiến ở Libya hiện có thể trở thành chiến tranh ủy nhiệm giữa các nước thù địch nhau ở Trung Đông".
"Cả hai bên đều nhận được vũ khí và đạn dược từ các lực lượng ủng hộ bên ngoài. Cuộc chiến càng kéo dài, thiệt hại càng lớn và càng khó để giải quyết".
Theo các cơ quan Liên hợp Quốc, đến nay, giao tranh ở Tripoli đã khiến hơn 500 người thiệt mạng, hơn 2.400 người bị thương và gần 70.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Cả hai bên tham chiến đều lờ đi lời kêu gọi ngừng bắn của quốc tế.
Theo ông Delalande, các lực lượng GNA đang chiếm được ưu thế nhưng sự ủng hộ ngày càng tăng của UAE, đặc biệt là các máy bay không người lái Wing Loong do Trung Quốc sản xuất được triển khai ở phía đông Libya từ năm 2016, lợi thế chiến trường có thể sẽ nghiêng về Tướng Haftar.
Jalal al-Fitouri - một chuyên gia về Libya cho biết "việc nhập khẩu vũ khí công khai hoặc bí mật ở Libya đã diễn ra trong nhiều năm" nhưng đến nay cả 2 phe đều đang tăng cường hoạt động này./.
Giao tranh ác liệt ở Libya khiến hơn 500 người thiệt mạng